Cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra đối với vi phạm tại Công ty TNHH Anh Nhân (TP. HCM)
(VOVTV) - Vừa qua, VOVTV có loạt bài phản ánh về việc Công ty TNHH Anh Nhân (TP. HCM) đã “bỏ qua” khâu kiểm định chất lượng để xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã có Quyết định xử phạt VPHC và tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, bao gói tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc đối với Công ty này.
Qua quá trình kiểm tra, xác minh, ngày 28/1/2021 Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã ra Quyết định số 23/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính và tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, bao gói tôm hùm sống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đối với Công ty TNHH Anh Nhân (TPHCM).
Quyết định này do ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ký có nội dung như sau: Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Nhân do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, cơ sở có thiết lập và áp dụng những hồ sơ hệ thống quản lý không đủ độ tin cậy.
Quyết định xử phạt VPHC và tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, bao gói tôm hùm xuất khẩu đối với Công ty Anh Nhân
"Cần sự vào cuộc của Cơ quan điều tra"
Trước những thông tin đã phản ánh, PV VOVTV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội).
Bày tỏ quan điểm của mình đối với vụ việc trên, ông Vũ Vinh Phú cho biết: "Theo như kết luận của thanh tra, việc xử lý đối với Công ty TNHH Anh Nhân nặng hay nhẹ tôi chưa có ý kiến, tuy nhiên cần phải làm rõ những vi phạm của Công ty xuất khẩu tôm hùm này và trách nhiệm của các cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu ở địa phương".
Qua kết luận sơ bộ, việc làm của Công ty TNHH Anh Nhân xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc là một vi phạm khá nghiêm trọng, thuộc về lề lối làm ăn cẩu thả, thiếu trách nhiệm với bạn hàng và coi thường pháp luật, gây hậu quả lâu dài.
Việc làm ăn thiếu trách nhiệm và coi thường pháp luật trên khiến bản thân Công ty mất uy tín, nghiệm trọng hơn có thể bạn hàng tiến tới sẽ ngừng giao dịch trong một thời gian hoặc vĩnh viễn. Hành động này làm ảnh hưởng tới các Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm làm ăn chân chính tại địa phương cũng như cả nước, làm ảnh hưởng tới uy tín ngành xuất khẩu nói chung của Việt Nam đối với các nước.
Theo kết luận thanh tra số 148/KL-QLCL ngày 4/2/2021 của Cục Quản lý chất lượng đối với vụ việc này không thể nói "Không phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong vụ việc", điều đó là quá vội vàng nên tạm thời kết luận là "Cho đến nay chưa phát hiện sai phạm".
"Đối với việc các đơn vị chuyên môn quản lý có tiếp tay cho vi phạm này hay không thì chỉ kết luận của cấp trên (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản - PV) là chưa đủ, cần yêu cầu cơ quan điều tra (Công an kinh tế) xác minh, điều tra làm rõ để kết luận", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Kết luận thanh tra của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại Trung tâm vùng 4
"Qua vụ việc trên, báo chí cần thông báo rộng rãi để các đơn vị xuất khẩu hàng hóa đi các nước rút kinh nghiệm khắc phục, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như trên. Nhất là khi chúng ta đã tham gia các Hiệp định với các đối tác lớn có những quy định nghiêm khắc trên thị trường xuất, nhập khẩu'', ông Phú nói thêm.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng VP Luật sư Thành Sơn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá vụ việc về mặt pháp lý: "Theo điểm C, khoản 6, Điều 9 tại Nghị định số 115/2018 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP: Phạt tiền đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc đối tượng bắt buộc thiết lập và áp dụng hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo một trong các mức sau đây:
Điểm C: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở không thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP hoặc các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác.
Hành vi của Công ty TNHH Anh Nhân bị xử phạt là đúng. Công ty Anh Nhân thuộc danh mục đơn vị ưu tiên loại 2, theo quy định thì Công ty này có thể không phải bị kiểm tra toàn bộ các lô hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc nhập hàng không thuộc danh mục các cơ sở được chấp thuận mà vẫn được cấp Chứng thư cho lô hàng thể hiện sự thiếu nguyên tắc của đơn vị cấp (Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 4 - PV).
Trên thực tế, giao lưu thương mại quốc tế và thực tiễn việc Chính phủ đang rất nỗ lực thúc đẩy thực hiện các cam kết WTO, ACFTA và các hiệp định FTA khác, nếu để Trung Quốc và Quốc tế phát hiện sự gian lận trong cấp các chứng từ về nguồn gốc hàng hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu, nhất là bối cảnh Việt Nam đã từng bị Hoa Kỳ kiện nhiều vụ kiện liên quan đến xuất khẩu tôm.
"Vì lẽ đó, cần phải có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra, trong đó phải điều tra làm rõ các chứng từ cấp trái pháp luật và trái nguyên tắc có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay không? Hoặc có dấu hiệu của việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hay không, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nói.
Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam (VOVTV) sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Tin nổi bật
Tin Video