Cần sớm chấm dứt tình trạng độc quyền trong ngành điện
Cần sớm chấm dứt tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện càng nhanh càng có lợi cho Nhà nước và người dân. Cơ chế độc quyền là căn nguyên lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện năng.
“Cần sớm chấm dứt tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện càng nhanh càng có lợi cho Nhà nước và người dân. Cơ chế độc quyền là căn nguyên lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện năng. Cần phải kiểm toán, thanh tra, điều tra đặc biệt để làm rõ nhiều khuất tất liên quan đến Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)”. Đây là những nội dung trao đổi của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam.
PV: Thưa ông, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra ngành điện, ông thấy ngành điện đã có những thay đổi gì?
Ông Lê Thanh Vân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ.
Trong quá trình thanh tra, EVN đã tạm đình chỉ chức vụ với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để phục vụ cho thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện.
Đối với cấp điện, từ ngày 23/6 hệ thống điện miền Bắc cơ bản đã chấm dứt tình trạng cắt điện luân phiên. Không còn tình trạng mất điện từ sáng đến tối và chỉ mất điện vào các khung giờ được ngành điện lực thông báo trước. Theo tôi đây là những cố gắng đáng ghi nhận của Bộ Công Thương cũng như EVN.
PV: Với vai trò giám sát và thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, ông đã thực hiện quyền của mình như thế nào để góp phần minh bạch về tình hình sản xuất, kinh doanh điện?
Ông Lê Thanh Vân: Trên cơ sở pháp lý của Điều 35 Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 55 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ngày 10/6/2023 tôi đã có văn bản yêu cầu Tổng giám đốc EVN cung cấp báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ tập đoàn EVN; Chi tiết tài khoản 635 chi phí tài chính, tài khoản 642 chi phí sản xuất kinh doanh; Báo cáo giá thành sản xuất chi tiết tài khoản 631. Cơ sở tính giá thành và phê duyệt phương pháp tính giá thành của EVN; Sao kê tài khoản EVN năm 2022.
Ngày 4/7/2023, đại biểu Lê Thanh Vân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm pháp lý của Tổng giám đốc EVN.
Ngày 4/7/2023, đại biểu Lê Thanh Vân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm pháp lý của Tổng giám đốc EVN.
Tuy nhiên, quá thời hạn tôi vẫn chưa được EVN cung cấp thông tin theo luật định. Do không nhận được thông tin, ngày 4/07/2023, tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm pháp lý của Tổng giám đốc EVN về hành vi cố ý không tuân thủ các quy định của Hiến pháp và các quy định trong các đạo luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Giao người có thẩm quyền chỉ đạo EVN cung cấp các thông tin mà tôi yêu cầu. Sớm giao Bộ Công an điều tra, giao Thanh tra Chính phủ tái thanh tra toàn diện hàng loạt vấn đề mà cử tri cả nước đang rất quan tâm, có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của EVN trong 10 năm trở lại đây.
Chiều 11/7 EVN đã cử người đến gửi tài liệu cho văn thư Vụ Tài chính, Ngân sách Quốc hội là bộ máy giúp việc Thường trực ủy ban Tài chính Ngân sách, nơi tôi đang làm việc. Tuy nhiên, đến nay tôi chỉ nhận được Báo cáo Tài chính hợp nhất 2022 còn các văn bản khác không thấy EVN cung cấp theo yêu cầu của tôi.
PV: Việc EVN nợ PV Power 13 nghìn tỷ, trong khi điện sinh hoạt của dân nếu chậm 1-3 ngày là bị cắt điện, người dân cho rằng do độc quyền mà dẫn đến thua lỗ, nợ chồng chất. Vậy theo ông có nên chấm dứt tình trạng độc quyền trong ngành điện hay không?
Ông Lê Thanh Vân: Cần sớm chấm dứt tình trạng độc quyền càng nhanh càng có lợi cho Nhà nước và người dân. Cơ chế độc quyền trong sản xuất và phân phối điện dẫn đến sự tập trung quyền lực và kiểm soát ngành điện vào tay một tập đoàn duy nhất, đó là EVN. Đó chính là căn nguyên xuất hiện hành vi lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện năng, khiến cho xã hội vô cùng bức xúc, rất cần phải kiểm toán, thanh tra, điều tra đặc biệt để làm rõ nhiều khuất tất liên quan đến EVN mà dư luận đặt ra.
Xóa bỏ cơ chế độc quyền trong sản xuất và phân phối điện ở Việt Nam xuất phát từ những lý do sau đây:
Một là, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng: Xóa bỏ cơ chế độc quyền sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện. Khi có nhiều pháp nhân hoạt động và cạnh tranh với nhau, các nhà cung cấp sẽ phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá để thu hút khách hàng. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua sự lựa chọn đa dạng và giá cả cạnh tranh. Lợi ích của Nhà nước chính là không phải chi trả các khoản thua lỗ khổng lồ do EVN tạo ra.
Hai là, tạo ra khả năng phát triển năng lượng tái tạo: Xóa bỏ cơ chế độc quyền sẽ khuyến khích đầu tư và phát triển hệ thống năng lượng tái tạo. Khi có nhiều nhà đầu tư được tham gia vào ngành điện, sẽ có sự đa dạng hóa trong việc sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và năng lượng sinh khối... Điều này có thể góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ba là, khuyến khích đầu tư: Cơ chế độc quyền có thể ngăn chặn sự cạnh tranh và khó khăn cho các nhà đầu tư mới muốn tham gia vào ngành điện. Bằng việc mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới, Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ trong ngành điện.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch vụ: Sự cạnh tranh trong sản xuất và phân phối điện có thể thúc đẩy các công ty tìm cách cải thiện chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các công ty sẽ phải tăng cường hiệu quả và đổi mới công nghệ để nắm bắt các xu hướng mới và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong ngành.
Tuy nhiên, quá trình xóa bỏ cơ chế độc quyền cần được thực hiện một cách cẩn thận và có kế hoạch chuyển đổi hợp lý để đảm bảo tính ổn định và bảo đảm chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tin nổi bật
Tin Video