Lăng kính

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi làm linh vật Tết

(VOVTV) - Theo truyền thống, cứ gần dịp Tết cổ truyền của dân tộc, khắp nơi lại trang hoàng phố phường và trưng bày các linh vật tương ứng với con giáp của năm mới. Tuy nhiên, mới đây, hình ảnh linh vật con hổ của năm Nhâm Dần vừa xuất hiện ở một số địa phương đã lập tức gây xôn xao đến mức có nơi phải thu hồi. Điều này cho thấy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi làm linh vật Tết.

Tác giả Anh Vũ - Trọng Khánh / VOVTV
25/01/2022 23:25

Linh vật hổ Đồng Nai với biểu cảm “hờn dỗi”, hổ Bắc Ninh “buồn ngủ”, “Ông ba mươi” với thân hình kỳ dị ở Tây Nguyên... và mới đây nhất, linh vật hổ “tiều tụy”, “ốm yếu” tại Phú Thọ đã gây xôn xao dư luận, đến mức giới chức địa phương phải lập tức thu hồi.

Việc trang trí linh vật đại diện cho con giáp của năm mới ở không gian công cộng để người dân vui chơi đón Tết là nhu cầu chính đáng của các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, vì linh vật được trưng bày ở nơi công cộng nên nguyên tắc thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu.

Theo các chuyên gia, hình tượng hổ trong văn hóa truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, dù dưới hình thức biểu đạt nào: mỹ thuật, điêu khắc, tượng... linh vật này cũng vừa hiền hòa vừa mang nét lẫm liệt, oai phong. Đó là cơ sở để các nghệ nhân khi làm tượng linh vật hổ có thể tham khảo để sáng tạo trên cơ sở kế thừa giá trị văn hóa truyền thống.

Mỗi dịp Tết cổ truyền, khắp các đường phố lại trang hoàng những linh vật biểu trưng cho năm mới sắp đến. Hy vọng, với sự đầu tư nghiêm túc và sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những linh vật có hồn, thể hiện được thần thái, phong cách của “chúa sơn lâm” trong năm mới Nhâm Dần 2022.


Ý kiến của bạn