Tin tức

Cần dẹp ngay nạn gieo mê tín, bán đồ tâm linh, cho số đánh lô đề qua mạng xã hội để trục lợi bất chính

(VOVTV) - “Mua thần bán thánh” không còn là câu nói đùa khi những người tin vào “Phật thánh online” vì tin lời ngon ngọt bỏ cả đống tiền mua những món đồ tâm linh. Kết quả may mắn chưa thấy đâu nhưng tiền thì mất thật.

Tác giả Giang Nam / VOVTV
05/07/2021 11:52

Theo phản ánh từ bạn đọc và thực tế tìm hiểu của PV, hiện nay trên mạng xã hội đang tồn tại rất nhiều tài khoản rao bán mặt hàng vô cùng đặc biệt có tên gọi chung là "vật tâm linh". Đây là những đồ vật kỳ lạ chưa từng xuất hiện trong văn hóa dân tộc, mang hình thù kỳ quái, thậm chí có lúc là mảnh giấy đề con chữ loằng ngoằng có khi người bán cũng chẳng hiểu nổi ý nghĩa của nó là gì… Và để thu hút khách hàng, tăng phần hấp dẫn cho những món đồ kỳ dị, người bán còn tự thêu dệt nên những câu chuyện ma mị, hoang đường.

Không chỉ dừng lại ở bán vật tâm linh, những người này còn "tiện miệng" cả việc "thỉnh số đề" để bán con số cho những vị khách có máu đỏ đen. Với nhiều lời khẳng định chắc ăn rằng chỉ cần bỏ ra khoản tiền từ vài triệu tới vài chục triệu để "lễ" là sẽ được cho số, đánh chắc chắn trúng.

photo-1625456127275

Một trang MXH bán đồ tâm linh cho luôn cả số đề

Mới đây, chi N.T.Y sinh sống tại huyện Quốc Oai ngậm ngùi chia sẻ với PV: "Vì tin những câu chuyện được vẽ ra mà chị đặt mua đồ, tiền đã chuyển mà không thấy đồ vật được chuyển về, chờ lâu quá nhắn tin đòi lại tiền mà đến giờ vẫn không được".

Có thể thấy những đối tượng đứng sau đang lợi dụng tâm lý tò mò, hiếu kỳ và lòng tin con người để trục lợi bất chính. Để ngăn chặn hành vi này cần thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ và xuyên suốt trong một thời gian dài.

Trước hết, về mặt pháp luật, cần kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi cá nhân. Trên thực tế đã có các quy định cụ thể, như: tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo xác định "Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi".

Gieo mê tín, bán đồ tâm linh qua mạng xã hội để trục lợi bất chính - Ảnh 2.

Những câu chuyện ma mị được người bán thêu dệt bên cái gọi là “vật tâm linh"

Tại khoản 1, Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội hành nghề mê tín, dị đoan cũng quy định: "Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".

Như vậy, với các vi phạm tương ứng khung hình phạt đã quy định trong văn bản luật, cần xử lý triệt để và quyết liệt, đủ sức răn đe. Với các hành vi buôn bán bùa chú, các vật phẩm tâm linh, hành nghề bói toán, mê tín dị đoan trên các mạng xã hội, cần thống nhất về thẩm quyền xử lý, phạm vi xử lý với Luật An ninh mạng, để có các điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát nội dung các trang mạng xã hội có dấu hiệu bói toán, buôn bán, kinh doanh bùa chú online để kịp thời xử lý, ngăn chặn sai phạm. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về các hoạt động tâm linh lành mạnh, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.

Quan trọng hơn, mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của hiện tượng này, không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang. Bởi, dù thế nào thì điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.

Ý kiến của bạn