'Cần coi tiền mã hóa là tài sản'
Nandan Nilekani - doanh nhân công nghệ hàng đầu Ấn Độ - kêu gọi chính phủ nước này coi tiền mã hóa là một loại tài sản.
Theo Financial Times, chủ tịch Infosys - công ty tư vấn và công nghệ thông tin Ấn Độ - thừa nhận tiền mã hóa quá biến động và tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó khó có thể trở thành một phương tiện thanh toán hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cho rằng tiền mã hóa vẫn có thể trở thành một loại tài sản thực sự, có thể được mua bán. "Giống như cách bạn đầu tư vào vàng và bất động sản, bạn có thể đầu tư vào tiền mã hóa. Tôi nghĩ tiền mã hóa có giá trị lưu trữ", doanh nhân Nilekani nói.
Ông cho rằng việc chính phủ cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiền mã hóa 1.500 tỷ USD sẽ “tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiền mã hóa bơm một số tiền lớn vào nền kinh tế Ấn Độ”.
Thời gian qua, doanh nhân Nilekani làm việc với chính phủ Ấn Độ để xây dựng các chính sách kinh tế kỹ thuật số. Ông cũng chủ trì một ủy ban về thanh toán kỹ thuật số tại ngân hàng trung ương Ấn Độ.
Giới chuyên gia đánh giá Ấn Độ là thị trường có tiềm năng lớn về tiền mã hoá. Tuy vây, quan điểm của chính phủ Ấn Độ về tiền mã hóa là không rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại New Delhi có thể ra lệnh cấm tiền mã hóa.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ thông qua luật cấm các loại tiền mã hóa tư nhân để phát triển một loại tiền mã hóa chính thức của nước này. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ sau đó đưa ra những tuyên bố mềm mỏng hơn về tiền mã hóa.
Tin nổi bật
Tin Video