Tin tức

Cán bộ, công chức cần cân nhắc từng cú nhấp chuột khi sử dụng mạng xã hội

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giúp tạo ra những “ngưỡng” cần có, để mỗi khi bước vào không gian mạng, người tham gia sẽ phải cân nhắc và chịu trách nhiệm trước những cú nhấp chuột.

28/06/2021 07:17

Một trong số các nhóm đối tượng thuộc điều chỉnh của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Đây được xem như thành phần đi đầu trong nêu gương ứng xử trên mạng xã hội.

Cán bộ, công chức sử dụng họ tên thật khi tham gia mạng xã hội

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức nên sử dụng họ, tên thật của mình khi đăng ký tài khoản Facebook để xác thực đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng Facebook. Điều này khiến chị Nguyễn Phương Loan, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cảm thấy yên tâm hơn khi giao tiếp trên môi trường mạng.

Cán bộ, công chức cần cân nhắc từng cú nhấp chuột khi sử dụng mạng xã hội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: KT

Chị Loan chia sẻ, vừa qua có một số thông tin “nóng” về việc quyên góp và sử dụng tiền huy động từ thiện xã hội của một số nghệ sĩ, chị cũng tham gia bình luận trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, nhiều bình luận ác ý, suy diễn khiến chị cảm thấy giật mình.

“Là người dùng mạng xã hội từ thời đầu, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một bộ phận cộng đồng mạng "manh động" như hiện nay. Đối với bất kỳ một sự việc nào, mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến nhưng cần văn minh và có tính chất xây dựng. Thế nhưng đáp lại bình luận một cách lịch sự của tôi là nhiều bình luận ác ý, thiếu văn hóa và có biểu hiện lệch lạc về suy nghĩ, đạo đức, trong đó, có cả những người được tính như cán bộ, công chức, người trí thức”, chị Loan bức xúc.

Với chị Lưu Ánh Thủy, cán bộ công chức của một cơ quan hành chính sự nghiệp cảm thấy sự ra đời của Bộ Quy tắc này sẽ giúp môi trường mạng trở nên lành mạnh hơn, là nơi giao lưu người thân, bạn bè, người đồng sở thích, giải quyết công việc… mà không bị căng thẳng bởi “cơn bão” các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

“Mạng xã hội nên trở về với đúng bản chất, mục tiêu sinh ra lúc ban đầu. Còn hiện nay mỗi ngày dù thích dù không chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều thông tin tiêu cực. Người trưởng thành tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực như vậy cũng mệt mỏi. Vậy giới trẻ của chúng ta sẽ ra sao? Cần thực hiện nghiêm và phổ rộng hơn nữa những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để tạo thành thói quen văn minh, văn hóa hơn”, chị Thủy nêu ý kiến.

Khi không gian mạng đang gây ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội được mong chờ nhiều năm qua được ban hành là “điểm tựa” để từ đó các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ có một bộ quy tắc chung để tham chiếu và “hành xử”; biết được những ngưỡng vi phạm pháp luật để tự điều chỉnh.

Việc nên làm ngay lúc này là rất cần mỗi bộ, ngành, địa phương, các tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của cơ quan, tổ chức của mình để đưa những quy tắc cụ thể phù hợp với đơn vị, làm cơ sở để thực hiện.

VOV nhận thức sớm mặt trái từ mạng xã hội

Ngay từ năm 2018 Đài TNVN (VOV) là một trong những đơn vị đầu tiên ban hành Quy định sử dụng mạng xã hội. Quy định này nghiêm cấm cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên của VOV phát tán các thông tin có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin chống lại Nhà nước; khuyến cáo sử dụng ngôn từ lịch sự, chuẩn mực; tránh những lời lẽ xúc phạm, khiếm nhã…

Cùng với đó, khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá các thông tin, sản phẩm báo chí chính thống tới công chúng về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt…

Cán bộ, công chức cần cân nhắc từng cú nhấp chuột khi sử dụng mạng xã hội - Ảnh 2.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập

Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập - Đài TNVN, mỗi người và đặc biệt là các nhà báo cần tham gia mạng xã hội không chỉ để “chơi” mà còn để theo dõi thông tin phục vụ cho công việc và thông tin về hoạt động của đơn vị, về những quan điểm, suy nghĩ của mình về các vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm.

Tuy nhiên, nhà báo với đặc thù là người đại diện cho cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, mỗi phát ngôn của họ đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi mỗi thông tin, mỗi phát ngôn trên mạng xã hội, dù là ở trang cá nhân cũng thể hiện không chỉ quan điểm của cá nhân mà còn thể hiện quan điểm của những người có tiếng nói, có công cụ truyền đạt thông tin đến với người dân, vì thế phát ngôn phải đảm bảo đúng, chuẩn và có trách nhiệm.

“Bản quy định này có kèm cả những hình thức kỷ luật đặc biệt với những nhà báo “hai mặt” tức là trước một vấn đề xã hội quan tâm, nhà báo thể hiện quan điểm trên mạng xã hội, khác hoặc trái ngược với quan điểm của mình trong bài phát trên các loại hình báo chí của VOV”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho hay.

“Cách đây hơn 3 năm, Ban Thư ký biên tập đã tham mưu cho lãnh đạo VOV ban hành Quy định ứng xử trên mạng xã hội. Đây là hành động kịp thời giúp VOV quản lý tốt hơn hoạt động trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên VOV cũng như nâng cao ý thức cho từng cán bộ, người lao động về việc sử dụng mạng xã hội đúng cách và có trách nhiệm. Trước khi ban hành, Lãnh đạo VOV đã lấy ý kiến của tất cả các nhà báo và cán bộ, nhân viên trong đơn vị và bộ quy tắc này đã nhận được sự đồng ý của đông đảo cán bộ, phóng viên và nhân viên”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho biết thêm.

Cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Việt Nam cũng kỳ vọng, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ tạo ra một môi trường văn hóa mạng lành mạnh. Tạo ra những “ngưỡng” cần có, để mỗi khi bước vào không gian mạng, người tham gia sẽ phải cân nhắc và chịu trách nhiệm trước những cú nhấp chuột.

Ý kiến của bạn