Cải cách tiền lương: Xóa điểm nghẽn thu hút nhân tài khu vực công
(VOVTV) - Từ ngày 1/7/2024, Đề án cải cách tổng thể chính sách tiền lương sẽ được thực hiện. Đây được coi là cuộc cải cách mang tính “cách mạng”, tạo động lực cho người lao động ở lĩnh vực công. Những thay đổi cơ bản trong cách tính lương cũng như tác động của chính sách tiền lương mới như thế nào?
VOVTV trao đổi cùng ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội.
Lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công có vai trò quan trọng đặc biệt, nhưng chính sách tiền lương lại quá bất cập. Chính sách tiền lương khu vực công còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Những bất cập này đã khiến cho suốt nhiều năm qua, ở khu vực công, mức lương của người lao động còn rất khiêm tốn so với mặt bằng cuộc sống.
Mức lương, thu nhập được chi trả thỏa đáng, cùng với môi trường làm việc cởi mở - những doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng tạo được sức hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều mà khu vực hành chính, sự nghiệp công lập lại chưa làm được. Trong bối cảnh đáng lo ngại này, việc điều chỉnh tăng lương cũng như cải cách chính sách tiền lương một cách căn cơ là không thể chậm trễ, có như vậy mới kịp thời động viên cho người làm khu vực Nhà nước, xóa điểm nghẽn trong thu hút nhân tài.
Có thể thấy, sau 4 lần cải cách tiền lương, thì lần này được đánh giá là mang tính chất cải cách nhất bởi sẽ khắc phục những bất cập của bảng lương theo hệ số lương đã thực hiện từ cách đây khoảng 20 năm. Đây không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập, mà còn gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo thu nhập phù hợp cho cán bộ cơ sở giữa các ngành lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm. Chính sách tiền lương mới cũng được kỳ vọng sẽ đưa tiền lương của khu vực hành chính, sự nghiệp thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực./.