Tin tức

Cải cách hưu trí được thông qua tại quốc hội Pháp, căng thẳng xã hội tiếp diễn

(VOVTV) - Chính phủ của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm qua (20/3) đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội với số phiếu ủng hộ sít sao.

Tác giả Mạnh Hà / VOV Paris  -  
21/03/2023 12:15

Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cần thiết để Dự luật cải cách hưu trí, ưu tiên nhiệm kỳ hàng đầu của Tổng thống Emmanuel Macron chính thức được thông qua tại Quốc hội bất chấp làn sóng phản đối vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cải cách hưu trí được thông qua tại quốc hội Pháp, căng thẳng xã hội tiếp diễn - Ảnh 1.

Biểu tình tại Pháp sau khi cải cách hưu trí được thông qua. Ảnh: Le Monde.

Phản ứng trước kết quả trên, lãnh đạo hai chính đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) và đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) đã kêu gọi Thủ tướng Elisabeth Borne từ chức khi uy tín ngày càng suy giảm.

Đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” cho biết đã viện dẫn đến công cụ cuối cùng là trình lên Hội đồng Hiến Pháp kiến nghị tiến hành trưng cầu dân ý đối Dự luật cải cách hưu trí để ngăn cản dự luật này sớm được ban hành bất chấp khả năng thành công là không lớn.

Dù tiếp tục tại vị nhưng áp lực đang ngày càng đè nặng lên người đứng đầu chính phủ Pháp trong quyết tâm thực hiện cải cách chế độ hưu trí mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giao phó. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Elisabeth Borne đã chỉ trích phe đối lập đang cố ngăn cản tiến trình dân chủ và gây chia rẽ nước Pháp.

“Điều 49.3 không phải là một công cụ độc tài mà là lựa chọn đầy tinh thần dân chủ mà Tướng De Gaulle và người dân Pháp đã thông qua. Ngược lại, ngay chính tại trung tâm của Nghị viện, chúng ta lại đang chứng kiến chủ nghĩa chống nghị viện với mục tiêu duy nhất là ngăn cản các cuộc tranh luận”.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ được công bố, hàng loạt cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra trên khắp nước Pháp khiến tình hình ngày càng căng thẳng.

Tại thủ đô Paris, người biểu tình đã dựng chướng ngại vật, đốt thùng rác, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp bằng hơi cay và bắt giữ, thẩm vấn hơn 100 trường hợp. Tình trạng quá khích tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn khác như Bordeaux, Lille, Dijon, Strasbourg, Lyon… Các nghiệp đoàn lao động lớn của Pháp tiếp tục kêu gọi các cuộc đình công và tuần hành phản đối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các đảng trong liên minh đa số ủng hộ Tổng thống để tham vấn tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội bắt nguồn từ phong trào phản đối cải cách hưu trí.

Theo các cuộc thăm dò dân ý mới nhất, uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne đã sụt giảm mạnh, chỉ trên dưới 28% và là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng Phong trào Áo vàng diễn ra vào cuối năm 2018.

Ý kiến của bạn