Tin tức

Cách ông Biden sẽ tiếp cận vấn đề Trung Quốc, Nga, Triều Tiên

Di sản đối ngoại mà Tổng thống Donald Trump để lại cho ông Joe Biden khá bộn bề nên ông sẽ phải đương đầu với nhiều mối quan hệ khủng hoảng, tiêu biểu nhất là Trung Quốc.

08/11/2020 17:47
 - Ảnh 1.

Ông Joe Biden bước vào một nhiệm kỳ tổng thống không mấy suôn sẻ như ông Trump hồi năm 2016 - Ảnh: NYT

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang ở mức xấu nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 4 thập niên; đồng minh của Mỹ ở châu Âu xa lánh; hiệp ước quan trọng chống vũ khí hạt nhân với Nga sắp hết hạn; Iran tiếp tục làm giàu nhiên liệu hạt nhân; Triều Tiên phô trương kho vũ khí hạt nhân...

Đó là chưa kể đến khủng hoảng biến đổi khí hậu, người tị nạn, và nạn đói đang chực chờ ở những nơi nghèo nhất thế giới. Tất cả càng trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội với hơn 50 triệu người đã nhiễm.

Có thể nói di sản tổng thống đắc cử Joe Biden nhận từ ông Donald Trump không "đẹp" như thời ông Barack Obama chuyển giao quyền lực năm 2016. 

Giới quan sát hi vọng kinh nghiệm nhiều năm làm đối ngoại trong thượng viện và làm phó tổng thống sẽ giúp ông Biden nhanh chóng kiểm soát được tình hình. 

Sau đây là một số lĩnh vực đối ngoại chính Mỹ cần lưu ý trong 4 năm tới:

1. Thách thức từ Trung Quốc

Trong mắt nhiều chuyên gia, không gì cấp bách hơn cứu vãn mối quan hệ đang lao dốc với Trung Quốc - siêu cường kinh tế và đối thủ địa chính trị của Mỹ dưới thời ông Trump.

Có hàng loạt vấn đề cần giải quyết, từ tranh chấp thương mại, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan, đánh cắp công nghệ...

"Trung Quốc giống như cái lõi phóng xạ trong các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ", ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung thuộc tổ chức Asia Society, so sánh.

Ông Biden không nhất thiết sẽ đảo chiều toàn bộ chính sách Trung Quốc của ông Trump. Trong suốt thời gian tranh cử ông cũng nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình, dù hai người được cho là quen biết thời ông Obama.

Chống Trung Quốc được ví như tâm trạng chung của chính trường Mỹ chứ không hẳn là do tâm tính của ông Trump, nếu khác chỉ là cách thể hiện của ông Trump không chút khách sáo hay khéo léo ngoại giao.

2. Trung Đông: Israel, Saudi Arabia và Iran

Ông Biden đã thề sẽ đảo ngược chính sách Iran của ông Trump - người đã cho Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 5+1, đồng thời áp đặt cấm vận khiến kinh tế Iran rơi vào khủng hoảng. Ông hứa sẽ quay lại thỏa thuận nếu Tehran chịu tuân thủ các cam kết và tiếp tục đàm phán.

Nhưng các chuyên gia nói làm không dễ chút nào, thậm chí ông Biden có thể thất bại. Chủ trương mới còn có nguy cơ khiến Israel, Saudi Arabia xa lánh Mỹ.

"Ông Benjamin Netanyahu sẽ phải chịu đựng một giai đoạn điều chỉnh chính sách không mấy dễ chịu", nhà báo Israel Yossi Verter viết trên báo Haaretz. 

Nhưng bên cạnh đó, ông Biden có mối quan hệ tốt với ông Netanyahu. Ông đã hứa sẽ không đảo ngược quyết định của ông Trump chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem.

3. Sửa chữa quan hệ với châu Âu và xử lý hậu quả Brexit

Trái ngược với quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, ông Biden ủng hộ quan hệ thân thiết với Liên minh châu Âu (EU) và phản đối Brexit (Anh rời khỏi EU). Việc ông đắc cử có thể khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson lúng túng bởi London trông đợi chốt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi rời hẳn khỏi EU.

Dù nhiều người châu Âu vui mừng chứng kiến ông Trump ra đi, nhưng những gì ông làm đã khiến uy tín của Mỹ bị tổn thương vĩnh viễn.

"Chúng tôi có sự khác biệt, nhưng chưa từng có sự mất niềm tin nào trong quan điểm chung về thế giới. Trong 4 năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã học được điều là họ không thể tin tưởng Mỹ một cách vô điều kiện được nữa", bà Gro Harlem Brundtland, cựu thủ tướng Na Uy, giải thích.

4. Đương đầu với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên

Sau tất cả những cuộc gặp ồn ào, những cái bắt tay lịch sử, ông Trump đã không thể thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa. Giới phê bình cho rằng thật ra ông còn cho Triều Tiên thêm thời gian chế tạo vũ khí, mới tháng trước Bình Nhưỡng khoe quả tên lửa liên lục địa lớn nhất xưa nay.

"Dưới thời Trump, chương trình hạt nhân Triều Tiên đã lớn mạnh, năng lực tên lửa cũng gia tăng. Bình Nhưỡng giờ có thể nhắm bắn Mỹ với một quả ICBM. Đó là di sản Trump để lại, một gánh nặng khổng lồ", ông Evans J.R. Revere - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

5. Cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga

Ông Biden khẳng định từ lâu sẽ cứng rắn hơn với Nga so với ông Trump. Hồi năm 2014, trong tư cách phó tổng thống Mỹ, ông đã ủng hộ cấm vận Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Điểm chung của ông Biden và ông Putin là kiểm soát vũ khí. Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn thương lượng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, vốn sẽ hết hạn vài tuần sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức năm sau.

6. Trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris và các cam kết quốc tế

Ông Biden hứa rằng một trong những điều đầu tiên ông sẽ làm là tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris và khôi phục vai trò thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mở rộng ra, ông Biden được trông đợi sẽ đảo ngược nhiều chính sách tự cô lập và chống nhập cư dưới thời Trump. Ông sẽ hủy các giới hạn về di trú, dừng xây bức tường với Mexico, mở rộng nguồn lực cho người nhập cư và mở ra con đường nhập tịch cho người sống bất hợp pháp ở Mỹ.

Tuy nhiên, các chính sách của ông Trump vừa qua cũng có không ít người ủng hộ ở Mỹ, do đó còn phải chờ xem ông Biden thay đổi nhanh và hiệu quả đến đâu. 

Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử là tiền đề khó khăn để ông Biden hoàn thành những lời hứa của mình với cử tri ủng hộ.

"Có một sự nhẹ nhõm là một chút bình thường sẽ quay trở lại, nhưng cùng lúc phải thừa nhận lịch sử không thể bị xóa bỏ. Quyền lực mềm của Mỹ trong quá khứ đã bốc hơi phần lớn", ông Jean-Marie Guehenno - một nhà ngoại giao Pháp, đưa ra nhận xét.

Ý kiến của bạn