'Cách ly F0 tại nhà ở Việt Nam thận trọng hơn các nước để tránh rủi ro'
Theo chuyên gia, thực hiện cách ly F0 theo chiến lược mới của Việt Nam sẽ giảm tải cho hệ thống tiếp nhận, điều trị. Việc làm này cũng thận trọng hơn các nước một bậc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành công văn về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, theo quy định của Bộ Y tế, 3 trường hợp F0 được cách ly tại nhà, gồm:
Nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng được cách ly ngay tại nhà khi có kết quả dương tính.
Các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang điều trị nhưng không có triệu chứng lâm sàng, có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) hoặc có tải lượng virus thấp (CT>=30). Những trường hợp này sẽ được xuất viện vào ngày thứ 10 và về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày.
Các trường hợp dương tính mới phát hiện tại cộng đồng, không có triệu chứng được đưa vào cơ sở y tế theo dõi, sau 24 giờ xét nghiệm lần 2, nếu tải lượng virus thấp hoặc kết quả rRT-PCR âm tính thì được cho về cách ly tại nhà.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, trong giai đoạn đầu chúng ta chưa có nhiều bệnh nhân, đồng thời ngành y tế cố gắng ngăn chặn triệt để nên khi đó các đối tượng mắc COVID-19 (F0) được quản lý, điều trị trong bệnh viện để tránh lây lan ra cộng đồng và theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay, do chủng mới diễn biến phức tạp, lây lan rộng, như dịch bùng phát mạnh ở Bắc Giang và TP.HCM, số ca bệnh tăng nhanh, việc cách ly F0 tại nhà là hợp lý.
“Cứ tưởng tượng TP.HCM với 3.000 ca bệnh/ngày thì dù có bệnh viện dã chiến cũng không thể chứa được hết các ca bệnh. Trong số này sẽ có khoảng 60% ca bệnh chỉ nhiễm mà không có biểu hiện, triệu chứng, những trường hợp này thì không cần phải chăm sóc y tế.
Nhóm này chỉ cần được theo dõi và cách ly vì đối tượng này không lây lan ra cộng đồng. Vì vậy những đối tượng này cũng không cần tập trung trong bệnh viện, để dành giường cho những người có biểu hiện lâm sàng cần phải điều trị”- BS Hà cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hà, quy định cách ly F0 tại nhà phải ngặt nghèo hơn so với các đối tượng F1 cách ly tại nhà. Chúng ta phải đảm bảo 2 yêu cầu, thứ nhất là tổ chức, theo dõi F0 để khi có biểu hiện lâm sàng phải sắp xếp để đưa họ vào viện để theo dõi điều trị; thứ hai là để F0 cách ly tại nhà, gia đình đó phải có đủ điều kiện về phòng cách ly, đồng thời những người là F1 của họ có thể ở đó chăm sóc nhưng vẫn phải đảm bảo cách ly an toàn.
Chuyên gia truyền nhiễm này cũng cũng lưu ý, nhóm F0 là người cao tuổi, có bệnh lý nền sẵn hay phụ nữ có thai không thể để cách ly tại nhà mà cần phải đến bệnh viện để theo dõi, tránh việc bệnh nhân bị động chuyển nặng.
Ông Nguyễn Hồng Hà cho rằng, trước đó nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cách ly F0 tại nhà. Tuy nhiên, họ thực hiện cách làm này ngay từ đầu, chỉ khi bệnh nhân có biểu hiện nặng mới vào viện điều trị. Thậm chí với bệnh nhân điều trị tại viện, một số quốc gia cho phép sau 15 ngày điều trị, nếu không có triệu chứng sẽ được ra viện mà không cần xét nghiệm.
Vị chuyên gia này đánh giá cách F0 tại nhà của Việt Nam thận trọng hơn các nước một bậc để tránh rủi ro cho bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu đưa bệnh nhân vào viện để theo dõi trong 10 ngày. Bởi hầu hết bệnh nhân nếu có triệu chứng sẽ xuất hiện trong 5-8 ngày đầu tiên. Các trường hợp xuất hiện diễn biến nặng cũng trong khoảng thời gian này. Qua 10 ngày, bệnh nhân sẽ chuyển sang thể nhẹ, không có nguy cơ nặng lên nhiều.
“Thực hiện cách ly F0 theo chiến lược mới của Việt Nam sẽ giảm tải cho hệ thống tiếp nhận, điều trị, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân khi được sinh hoạt tại nhà. Bên cạnh đó, để tập trung nhân viên y tế theo dõi, điều trị các ca có triệu chứng, ngăn các ca bệnh có biến chứng nặng, giảm tỷ lệ tử vong”- ông Hà cho hay.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Đăng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cũng cho biết, F0 nhẹ nên cách ly tại nhà nhưng phải có sự tư , hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu việc này triển khai diện rộng, cần có bản hướng dẫn cụ thể phát cho người dân về cách tự theo dõi, tự chăm sóc dưới sự giám sát của y tế địa phương, mỗi nhóm hộ gia đình sẽ cử nhân viên y tế phụ trách.
“Người là F0 muốn cách ly tại nhà phải có đủ năng lực hành vi, ký cam kết chấp hành quy định, được giám sát của tổ dân phố (công an) về mặt chính quyền và y tế địa phương (về chuyên môn)”- BS Khiêm chia sẻ.
F0 cần phải làm gì khi cách ly tại nhà?
Các chuyên gia y tế cho biết, khi cách ly tại nhà, bệnh nhân cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe. Cụ thể, người bệnh cần thực hiện đo thân nhiệt nhiều lần trong ngày. Khi có dấu hiệu sốt tăng, ho khan, tức ngực, biểu hiện hô hấp, tự đếm thấy nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút (người bình thường từ 16-18 lần/phút), bệnh nhân cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, can thiệp kịp thời.
BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng khuyến cáo các trường hợp khi cách ly tại nhà tuyệt đối không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép. Tuyệt đối thực hiện giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc với người nhà, mang khẩu trang và tấm che giọt bắn trong lúc được tiếp tế.
Nếu trong phòng chỉ có một mình, bạn không cần thiết phải mang khẩu trang thường xuyên. Đồng thời cũng tăng sức đề kháng nhằm giúp bệnh mau khỏi bằng cách: uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động tập thể dục điều độ. Phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh bề mặt xung quanh nơi bạn làm việc.
Tin nổi bật
Tin Video