Tin tức

Các vaccine COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta?

Tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Đây là những đánh giá ngắn gọn về sự nguy hiểm của biến thể Delta, đang đe doạ thành quả chống đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

12/08/2021 12:00

Hệ thống y tế quá tải

Các chuyên gia cho rằng, sự biến chủng của virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Kể từ khi bùng phát thành đại dịch toàn cầu, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh và đã có hàng trăm biến chủng, trong đó đáng lo ngại nhất hiện nay là biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

Các vaccine COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta? - Ảnh 1.

Hình ảnh điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM

Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, biến thể Delta xuất hiện phổ biến trong đợt dịch thứ tư, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP.HCM và lan khắp các tỉnh thành.

“WHO đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân so với các biến chủng khác. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh nguyên nhân chính là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan.

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đánh giá sự nguy hiểm của biến thể Delta: “Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này”.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tối 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã thông tin về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam, cho biết hiện tại có sự quá tải ở TP.HCM và các tỉnh, thành. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao. Theo ông Thuấn, một số địa phương có tình trạng phân tầng bệnh nhân chưa đúng gây quá tải.

“Một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, ở bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi đang chỉ đạo phải phân tầng đúng. Nhưng cũng chú ý phân tầng không được muộn quá, bởi nếu chậm có nguy cơ tử vong cao. Phân tầng đúng có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Thuấn nói.

Các vaccine COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta? - Ảnh 2.

Vaccine COVID-19 hiện này có chống được Delta?

Các nhà khoa học khẳng định, vaccine hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, với biến thể siêu lây nhiễm như biến thể Delta thì với người đã chủng ngừa vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19, nhưng sẽ giảm được tử vong và tình trạng bệnh nặng.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, với tốc độ lây lan rộng, lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến quá tải y tế, dẫn đến việc phòng chống bị động: “Với các chủng cũ, bệnh nhân phát bệnh khoảng 7-8 thì nguy cơ chuyển biến nặng. Nhưng ở biến chủng này, từ lúc khởi phát bệnh đến lúc diễn biến nặng có thể chỉ 2-3 ngày. Đây rõ ràng là một thách thức với ngành y tế”.

WHO đánh giá biến thể Delta sẽ làm cho các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch quay trở lại. Một biến chủng khả năng lây lan tăng nhanh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ cao hơn thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Đối với chủng Alpha thì miễn dịch cộng đồng đạt được ở mức độ tiêm chủng khoảng 75%, nhưng với chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 85% trở lên mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Các vaccine COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta? - Ảnh 3.

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam

Chính vì thế, các nước phải tăng cường tỷ lệ và tăng tốc tiêm chủng. WHO vẫn đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

“Các dữ liệu tính đến ngày 6/8/2021 cho thấy, các vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng bởi biến thể Delta, mặc dù có có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng. WHO nhấn mạnh một lần nữa thông điệp không lựa chọn và hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào khi đến lượt bạn. Vaccine bảo vệ bạn và những những người xung quanh bạn”, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn