Các triệu chứng của COVID-19 rõ ràng nhưng vì sao test nhanh vẫn âm tính?
(VOVTV) - Dù xuất hiện đầy đủ các triệu chứng của COVID-19 nhưng khi tự thực hiện test nhanh, nhiều người vẫn nhận kết quả âm tính, vì sao?
Chị Nguyễn Lan Phương (Hà Nội) ba hôm nay mệt mỏi, đau đầu, húng hắng ho và rát họng. Chị test nhanh COVID-19 và nhận kết quả âm tính. Chị tìm hiểu thì thấy đó rõ ràng là các triệu chứng nhiễm nCoV, bạn bè chị cũng có dấu hiệu như vậy và đều test nhanh hai vạch.
Anh Nguyễn Thành Vinh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, vợ anh nhiễm nCoV được bốn hôm và hiện thấy bản thân khá mệt, hâm hấp sốt, đau đầu, rát họng. Test nhanh cho kết quả âm tính. Hiện rất nhiều người cũng gặp tình huống như anh Vinh, chị Phương.
Theo các chuyên gia, khi xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 nhưng test nhanh vẫn cho kết quả âm tính, thì nhiều khả năng là “âm tính giả”. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cho hay, do kit test bị sai lỗi về kỹ thuật hoặc do bảo quản quá lâu, không đúng cách nên không đảm bảo chất lượng. Kit test chủ yếu là do độ nhạy, vì thế nếu kit test chất lượng kém sẽ dẫn đến hiện tượng "âm tính giả".
Đồng quan điểm này, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cũng cho rằng, đặc điểm của test nhanh chính là độ nhạy nhưng đôi khi độ nhạy "không tốt lắm" dẫn đến tỷ lệ "dương tính giả, âm tính giả". Thực tế, nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng như ho, sốt, đau người… nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính.
“Những trường hợp âm tính giả như vậy không hề thấp”, BS Phúc nói.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua những loại kit test có giấy phép lưu hành chính thức, tránh mua những mặt hàng kit test trôi nổi trên mạng, nguồn gốc không rõ ràng.
Nhiều chuyên gia cũng khuyên người dân chỉ nên test nhanh khi thực sự nghi ngờ. Ví dụ, trong nhà có F0, bản thân thấy triệu chứng mới làm test nhanh. Nhưng bản thân vừa tiếp xúc với F0 ở ngoài đường hoặc đi ngang qua đâu đó, nghe đồn nhà người ta có F0… thì không cần thực hiện test nhanh.
Nhiều người xét nghiệm 2-3 lần/ngày là không cần thiết. Việc này không những làm ảnh hưởng sức khỏe mà còn gây tốn tiền vô ích, thậm chí là gây lo lắng do ảnh hưởng tâm lý. Về mặt xã hội, việc lạm dụng xét nghiệm COVID-19 ở một số người còn làm tăng giá thành và khan hiếm kit test, khiến nhiều người không tiếp cận được kit test.
Theo vị chuyên gia này, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng nếu thấy có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, các bạn nên tự mình cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Sau đó bạn thực hiện xét nghiệm lại trong vòng 1- 2 ngày.
Tin nổi bật
Tin Video