Tin tức

Các tỉnh miền Trung nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phòng tránh bão RAI

(VOVTV) - Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với bão Rai, kể từ ngày 17/12, các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả tuyến vận tải thủy nội địa. Các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực ven biển, đảo.

Tác giả PV / VOV miền Trung
17/12/2021 13:00

Chủ động phòng tránh bão, thành phố Đà Nẵng đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu đã được quy hoạch… 

Từ 12h trưa 7/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đồng thời, các đơn vị thông báo cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. 

Các tỉnh miền Trung nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phòng tránh bão RAI - Ảnh 1.

Tàu cá Phú Yên neo đậu tránh trú tại đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển, thoát ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi neo đậu an toàn.

Tại huyện đảo Lý Sơn, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. 

Các tỉnh miền Trung nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phòng tránh bão RAI - Ảnh 2.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ tàu thuyền, thuyền trưởng và lao động trên tàu giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đến sáng 17/12, địa phương đã cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền ra khơi, tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn cũng đã tạm dừng hoạt động: “Hiện nay, huyện Lý Sơn có 8 phương tiện đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa với 88 lao động, hiện đã liên lạc được với các chủ phương tiện, tất cả đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn hiện có hơn 400 tàu neo đậu. Hiện có 51 lồng bè, đến chiều nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tất cả vào neo đậu tại vũng neo đậu”.

Tại tỉnh Bình Định, các địa phương đã yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng thoát ra ngoài khu vực nguy hiểm. Sáng 17/12, các ngư dân tỉnh Bình Định tập trung đưa tàu cá vào các khu neo đậu để tránh trú bão. 

Các tỉnh miền Trung nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phòng tránh bão RAI - Ảnh 3.

Ngư dân Bình Định đưa tàu vào các khu neo đậu tránh trú bão số 9

Anh Hà Văn Phương (48 tuổi) trú thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - chủ tàu cá BĐ-91340 cho biết: “Tôi đưa tàu vào tránh bão, bão số 9 không nhập vào bờ nhưng vào bờ để tránh gió to và đảm bảo an toàn. Tôi đưa vào khu neo đậu tàu thuyền gần đường Phan Châu Trinh, phường Hải Cảng. Nếu bão vào thì khu này an toàn nhất. Nhiều tàu thuyền đã vào bến và đã được sắp xếp an toàn. Khi đưa vào vào trú, mình giằng dây và lót bánh xe tránh va đập”.

Sáng 17/12, các lực lượng trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa kêu gọi tàu thuyền các ngư dân trong khu vực vào các âu tàu để tránh, trú bão Rai. Đã có trên 50 lượt tàu cá với khoảng 500 ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa vào các âu tàu thuộc đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa để tránh, trú bão Rai.

Các tỉnh miền Trung nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, chủ động phòng tránh bão RAI - Ảnh 4.

Ngư dân Bình Định rời tàu cá và di chuyển lên bờ tránh bão

Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 cùng các lực lượng đóng quân, người dân trên các đảo đang triển khai các biện pháp ứng phó, gia cố công trình, di chuyển thiết bị, phương tiện đến nơi an toàn. Đồng thời, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân tránh, trú bão an toàn. 

Hiện đã có 52 lượt tàu cá với gần 500 ngư dân vào nơi tránh trú. Các đảo hỗ trợ ngư dân các nhu yếu phẩm, trị giá hơn 2 triệu đồng và nước ngọt; chuẩn bị các phương án sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá và khám chữa bệnh cho ngư dân khi xảy ra tình huống cứu nạn.

Tàu cá Bình Định vào bờ tránh bão

Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146 cho biết: “Hiện tại gió mới chỉ có cấp 4, cấp 5 thôi, trời đang nắng đẹp. Tuyên truyền kêu gọi ngư dân các nơi vào đây tránh bão do bên Biên phòng đảm nhiệm. Tàu vào âu thì đảo có trách nhiệm hướng dẫn tàu thuyền vào, sắp xếp, chằng buộc, neo đậu. Đảo tổ chức xong sẽ đưa bà con lên, bố trí vị trí ăn, nghỉ cho ngư dân”.

Ý kiến của bạn