Các quốc gia phòng tránh hoả hoạn cho chung cư cao tầng như thế nào?
Vụ đại hỏa hoạn ở Grenfell Tower ở London, cũng như các vụ cháy kinh hoàng ở Busan, Dubai và Hawaii, đã khiến người dân trên khắp thế giới quan tâm tới biện pháp phòng tránh hoả hoạn tại các khu chung cư cao tầng.
Những vụ cháy chung cư kinh hoàng
Theo tờ Japantimes, trong nhiều năm, cư dân của tòa Grenfell Tower ở London (Anh) đã liên tục bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ hỏa hoạn, nhưng đều bị phớt lờ. Và rồi nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ đã không may biến thành hiện thực khi vào hôm 14/6/2017, tòa nhà cao 24 tầng ở Kensington, London đã bị “giặc lửa” tấn công.
Vào thời điểm đó, các bệnh viện trong khu vực đã tiếp nhận hàng chục người bị thương. Một số nhân chứng cho biết dù những người đứng bên ngoài tòa nhà cùng hét lên “đừng nhảy, đừng nhảy”, nhưng nhiều nạn nhân không chịu nổi sức nóng dữ dội của tòa nhà chìm trong biển lửa và đã nhảy ra khỏi cửa sổ. Trong đó, có một người phụ nữ ôm con gào thét và nhảy ra khỏi cửa sổ”.
Vụ hỏa hoạn này đã khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và mất tích. Tòa nhà Grenfell tương đối cũ và có thông tin cho rằng tòa nhà sử dụng vật liệu bên ngoài không phù hợp, khiến ngọn lửa lan ra nhanh chóng.
Theo các cư dân, ngoài sai sót của cơ chế cảnh báo, dường như không có hệ thống chữa cháy phun nước nào trong tòa chung cư vừa mới được cải tạo này. Cư dân cũng khẳng định họ không được hướng dẫn thích hợp về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, tòa Torch Tower không may mắn bị lửa thiêu rụi ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) lại là một chung cư sang trọng hoàn toàn mới. Mặc dù không có người thiệt mạng, nhưng đám cháy nhanh chóng bùng phát ngoài tầm kiểm soát khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của các tòa nhà cao tầng đông dân cư này.
Tháng 7/2017, giới chức thủ phủ Honolulu của bang Hawaii, Mỹ cho biết vụ hỏa hoạn tại tòa chung cư Marco Polo 36 tầng ở thành phố này đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng, 12 người bị thương và hàng trăm người phải sơ tán khi khói dày đặc cuồn cuộn bốc lên từ các tầng phía trên của tòa nhà. Giới chức cho biết tòa nhà chung cư này không được trang bị hệ thống phun nước tự động chống cháy.
Vụ cháy chung cư 38 tầng ở Haeundae, Busan, Hàn Quốc hồi tháng 10/2020 cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các tòa nhà cao tầng về cơ bản không có khả năng phòng tránh hỏa hoạn.
May mắn thay, không có thương vong nào vì hầu hết người dân đã được sơ tán ngay sau khi đám cháy bùng phát. Tuy nhiên, giới chức cho biết nếu đám cháy bùng phát vào ban đêm khi người dân đang ngủ, ngọn lửa có thể cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Giải pháp phòng tránh hỏa hoạn
Các tòa nhà dân cư cao tầng thường thiếu các tính năng an toàn thiết yếu. Ngoài ra, vật liệu được sử dụng trong xây dựng không có khả năng chống cháy và các quy định an toàn dường như vẫn còn quá lỏng lẻo.
Giới chuyên gia cho biết vụ hỏa hoạn tại khu chung cư ở Busan - thành phố cảng lớn nhất Hàn Quốc đã bộc lộ tất cả rủi ro có thể biến việc sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng sang trọng thành “tấm vé” dẫn đến cái chết đau đớn trong biển lửa, nếu chính quyền không có những giải pháo thích hợp.
Bức tường bên ngoài của khu phức hợp này được trang trí bằng các tấm nhựa polyetylen phủ nhôm và sử dụng nhựa dẻo polystyrene để cách nhiệt. Cả hai vật liệu đều dễ cháy. Tuy nhiên, không có quy định nào về vật liệu được sử dụng bên ngoài các tòa nhà này.
Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã ban hành một điều khoản mới trong Đạo luật Xây dựng, quy định chỉ sử dụng vật liệu không gây cháy cho mặt ngoài của các tòa nhà. Luật này được thi hành từ năm 2011. Tuy nhiên, luật không áp dụng cho các tòa nhà đã hoặc đang được xây dựng.
Ông Kwon Young-duck tại Viện Phát triển Seoul cho biết các tòa nhà chung cư mới thường không có ban công và bên ngoài được che phủ bằng vật liệu rất dễ cháy. Ban công có thể ngăn lửa và là nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác, người dân không được phép phá bỏ ban công để mở rộng không gian bên trong.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nếu đám cháy bùng phát ở các tầng cao hơn, những chiếc thang cao tới 45 mét tương đương tòa nhà 15 tầng cũng trở nên vô dụng.
Mỹ đã có những quy định tương đối nghiêm ngặt về hệ thống phòng cháy và sơ tán khẩn cấp cho các tòa nhà cao tầng. Bộ luật Phòng cháy chữa cháy Quốc gia của Mỹ với khoảng 280 điều khoản bao gồm tất cả các khía cạnh về hỏa hoạn, phương tiện chữa cháy, an toàn con người, hệ thống điện cùng những vấn đề khác.
Chẳng hạn, New York đã ban hành các hướng dẫn cụ thể về vật liệu được sử dụng trong xây dựng sàn và trần cho các tòa nhà, cũng như thang máy, đường ống và số lượng nhân viên phòng chống thiên tai tối thiểu tùy theo quy mô của tòa nhà.
Do lính cứu hỏa khó tiếp cận các tầng trên cao, giới chức đã ban hành quy định chặt chẽ về việc lắp đặt hệ thống phun nước chữa cháy và đầu báo khói tự động.
Tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, tòa nhà Burj Khalifa cao 828 mét ở Dubai, hiện là tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, cũng có những biện pháp phòng chống thiên tai tối tân.
Tòa nhà cao 160 tầng - có 4 khu an toàn ở các tầng 42, 75, 111 và 138. Những khu trú ẩn này có thể chứa tới 6.500 người và có thể chống chịu được trong 2 giờ sau khi đám cháy bùng phát. Địa điểm này cũng được kết nối trực tiếp với trạm cứu hỏa, cùng với các tòa nhà cao 21 tầng trở lên khác. Do đó, lực lượng cứu hỏa sẽ được cảnh báo bằng báo cáo trực tiếp từ các địa điểm này.
Nhật Bản thường xuyên tiến hành diễn tập cứu hỏa nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra hỏa hoạn. Các tòa nhà ở quốc gia này cũng có trung tâm phòng chống thiên tai. Theo Đạo luật Dịch vụ Phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản, các tòa nhà cao trên 31 mét được coi là nhà cao tầng và phải đáp ứng nhiều quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, thang cứu hỏa chỉ có thể cao tối đa 31 mét (tương đương chiều cao của tầng 11) nên các căn hộ từ tầng 11 trở lên bắt buộc phải có hệ thống phun nước chữa cháy, trừ khi đáp ứng các yêu cầu khác - như sảnh thang máy mở, có từ 2 lối thoát hiểm, căn hộ sử dụng nội thất làm từ vật liệu không gây cháy...
Tin nổi bật
Tin Video