Các quốc gia Đông Âu phản đối việc cấm dầu của Nga trong các cuộc đàm phán
(VOVTV) - Cuộc đàm phán nhằm thống nhất một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trên toàn Liên minh châu Âu đã bước vào ngày thứ 6, tuy nhiên các quốc gia Đông Âu là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn phản đối đề xuất này và yêu cầu có các cơ chế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của mỗi nước.
Điểm tranh cãi chính hiện nay chính là mốc thời gian đầy tham vọng mà Ủy ban châu Âu vạch ra là loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và tất cả các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của Nga, các quốc gia là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc cho rằng không thể chuyển sang các nhà cung cấp khác trong một thời gian ngắn như vậy mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Ngoại trưởng Hungary khẳng định lập trường Hungary sẽ không thay đổi và không thể chấp nhận được đề xuất hiện tại của EU. Slovakia, quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu của Nga cho biết việc thay thế công nghệ lọc dầu hiện tại để đáp ứng yêu cầu là một việc hết sức khó khăn và sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư khoảng 250 triệu USD trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 năm.
Hiện tại, nước này đang đẩy nhanh tiến độ và có thể hoàn thiện trong vòng 3 năm tới. Tuần trước, một thỏa hiệp ban đầu được công bố là Hungary và Slovakia có thể được phép hoàn tất giai đoạn này vào cuối năm 2024 nghĩa là muộn hơn hai năm so với đề xuất từ Liên minh châu Âu (EU).
Đối với Cộng hòa Séc, nước này đang đàm phán gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 6 năm 2024, ngày mà chính phủ Séc dự kiến sẽ kết nối được với Đường ống xuyên biển. Thủ tướng Séc Petr Fiala đã đến Berlin và gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về an ninh năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại.
Những lo ngại từ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc chủ yếu xuất phát từ thực tế là tất cả các bên đều liên quan đến đường ống Druzhba, một đường ống dẫn khổng lồ do Nga đang vận hành. Các nhà máy lọc dầu của các quốc gia này vẫn đang vận hành dựa trên nguồn cung dầu từ Nga trong nhiều thập kỷ qua theo phương thức truyền thống và việc thay đổi để đáp ứng yêu câu mới đang là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia này.