Thế giới

Các nước tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19

Tính đến 6h sáng 27/9, toàn thế giới có 232.576.079 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.761.476 trường hợp tử vong và 209.190.503 bệnh nhân đã hồi phục.

27/09/2021 08:49

Châu Mỹ

Tại Mỹ, các cơ quan y tế cho biết, họ tin tưởng rằng sẽ có đủ vaccine cho cả những người lớn tuổi đủ tiêu chuẩn tiêm mũi tăng cường cũng như trẻ em. Theo AP, hơn 70 triệu người tại Mỹ hiện vẫn chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, dù nhiều biện pháp khuyến khích đã được triển khai như giải thưởng xổ số, đồ ăn miễn phí, quà tặng hay lời kêu gọi từ các nhân viên chăm sóc sức khỏe vốn đang kiệt sức khi số người tử vong do Covid-19 trung bình mỗi ngày đã tăng lên hơn 1.900 người trong những tuần gần đây.

Giám đốc điều hành Albert Bourla của Pfizer (Mỹ) cho biết, "chỉ còn vài ngày chứ không phải vài tuần" trước khi hãng này và đối tác BioNTech (Đức) gửi dữ liệu cho các cơ quan quản lý của Mỹ để được cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hãng tin AP nhận định, đây sẽ là một bước quan trọng để bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em đã đi học trở lại trong bối cảnh biến chủng Delta có thể dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19 ở trẻ em.

Hồi giữa tháng này, Pfizer cho biết, vaccine của hãng có hiệu quả đối với nhóm tuổi này và họ đã thử nghiệm liều lượng thấp hơn so với loại vaccine đã có cho người từ 12 tuổi trở lên. Sau khi trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm liều vaccine thứ hai trong quá trình thử nghiệm, những trẻ em này đã phát triển mức kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 ngang với thiếu niên và thanh niên được tiêm các mũi với liều lượng thông thường.

Châu Âu

Theo một nghiên cứu của The Benchmarking Partnership, ước tính có khoảng 2,5 triệu xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh tiểu đường đã bị bỏ qua trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch ở Anh.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, 1,4 triệu xét nghiệm máu định kỳ cho phép những người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát tình trạng của họ đã bị bỏ lỡ hoặc trì hoãn kể từ ngày phong tỏa toàn quốc đầu tiên vào ngày 23/3/2020 đến ngày 30/9/2020. Con số này bao gồm 500.000 xét nghiệm cho những người được cho là có lượng đường huyết cao, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như đau tim, bệnh thận, mù lòa và tổn thương thần kinh.

Giám đốc Y tế Ireland, Tiến sĩ Tony Holohan cho biết, các bằng chứng cho thấy trường học hiện là nơi có nguy cơ thấp làm lây lan vi rút SARS-CoV-2 ở trẻ em đang đi học. Mặc dù số lượng trẻ em được xét nghiệm Covid-19 tăng lên, song việc phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh trong độ tuổi đi học chỉ ghi nhận mức tăng tương đối khiêm tốn. Kể từ ngày 27/9, trẻ em từ 12 tuổi trở xuống sẽ không còn phải hạn chế việc di chuyển hay trải qua quá trình truy vết tiếp xúc nếu được xác định là có liên hệ gần với một trường hợp mắc Covid-19 trong trường học hoặc bên ngoài hộ gia đình.

Châu Á - châu Đại dương

Ngày 26/9, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận 28.326 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ, đánh dấu mức giảm 4,3% so với ngày 25/9. Ấn Độ hiện đã ghi nhận tổng cộng 33,6 triệu trường hợp mắc Covid-19 và hơn 447.000 ca tử vong.

Ngày 26/9, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết, nước này sẽ sớm triển khai việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều tăng cường cho những người có nguy cơ cao, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế.

Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý rằng, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc sẽ công bố kế hoạch tiêm chủng quý IV trong ngày 27/9, trong đó bao gồm việc tiêm bổ sung.

Bắt đầu từ tháng tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer và Moderna để giúp tăng hơn nữa tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ. Đối tượng tiêm chủng cũng sẽ được mở rộng bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai. Số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc đang có xu hướng tăng nhanh sau kỳ nghỉ trung thu.

Tính đến ngày 26/9, đã có hơn 37 triệu người ở Hàn Quốc được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, chiếm 73,5% dân số. Khoảng 23 triệu người ở nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Bộ Y tế Malaysia đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các ca mắc Covid-19. Ngày 26/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, lực lượng này sẽ áp dụng kinh nghiệm đạt được trong việc giảm số ca nhiễm mới ở thung lũng Klang vào việc phòng, chống dịch trên cả nước.

Cùng ngày, cảnh sát Malaysia đã cảnh báo về tình trạng làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh các nước bắt đầu triển khai "thẻ xanh" cho một số hoạt động.

Tại Australia, một số biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã được nới lỏng ở bang New South Wales từ ngày 27/9. Các hồ bơi ngoài trời được phép mở cửa trở lại cho cả những người đã được tiêm và chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Một số hạn chế khác được nới lỏng như cho phép các nhà bán lẻ và vườn ươm thực vật mở cửa trở lại tại một số địa phương, cũng như cho phép người dân ở một số nơi tập thể dục mà không cần đeo khẩu trang.

Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, lãnh đạo các bang có nhiệm vụ mở cửa lại biên giới sau khi 80% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ để Australia có thể trở lại cuộc sống bình thường vào dịp Giáng sinh.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn