Các nước gấp rút giải quyết việc di tản, xử lý vấn đề người tị nạn Afghanistan
Sáng sớm 20/8 (giờ địa phương), chuyến bay đầu tiên đưa công dân Australia và người Afghanistan tị nạn đã hạ cánh tại Australia. Trong khi đó, Nga bày tỏ sẵn sàng cung cấp các chuyến bay sơ tán các công dân Afghanistan, còn Thổ Nhĩ Kỳ muốn có sự chia sẻ trong vấn đề người tị nạn.
Sau chuyến bay kéo dài 10 tiếng rưỡi, từ căn cứ quân sự của Australia ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hơn 100 người gồm công dân Australia và những người tị nạn Afghanistan đã được đưa đến thành phố Perth thuộc bang Tây Australia của Australia.
Trong số những người tị nạn Afghanistan được đưa đến Australia lần này có cả những người phiên dịch và các nhà thầu từng làm việc với quân đội Australia trong suốt 20 năm hoạt động tại Afghanistan.
Sau khi đến Australia, những người này đã được đưa tới khách sạn để cách ly trong 14 ngày.
Trước đó, Australia thông báo đã có 2 chuyến sơ tán công dân và người tị nạn Afghanistan với tổng cộng 102 người ra khỏi Kabul và đến căn cứ quân sự của Australia tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Trong bối cảnh lực lượng Taliban đang truy tìm những người và thành viên gia đình có liên quan đến các lực lượng nước ngoài, Australia cùng nhiều quốc gia đang đẩy nhanh kế hoạch sơ tán công dân và những người từng làm việc cho mình ra khỏi Afghanistan. Chính phủ Australia cho biết, trong năm nay, nước này sẽ cấp ít nhất 3.000 thị thực nhân đạo cho những người tị nạn Afghanistan.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Tass (Nga) cho hay, phát biểu trong cuộc họp báo ngày hôm qua (19/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, để ngăn chặn tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn ở Afghanistan, Nga sẵn sàng cung cấp các dịch vụ của hàng không dân dụng để di tản các công dân Afghanistan, đến bất kỳ quốc gia nước ngoài nào muốn tiếp nhận và hỗ trợ họ.
Cũng theo nhà ngoại giao Nga, đại diện các nhà chức trách mới ở Afghanistan đã đảm bảo với phía Nga rằng không có trở ngại cơ bản nào đối với việc đến Kabul cũng như khởi hành máy bay dân dụng của Nga. Sự an toàn của máy bay, phi hành đoàn và hành khách đều được đảm bảo.
Bà Zakharova đồng thời xác nhận thêm rằng, hiện cũng không có thông tin nào về việc có công dân Nga bị thương tại sân bay Kabul.
Trong khi đó, AP cho biết, đối mặt với nguy một làn sóng di cư mới từ Afghanistan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (19/8) kêu gọi châu Âu chia sẻ trách nhiệm về người sơ tán Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trở thành “kho tị nạn” của châu Âu.
Theo Tổng thống Erdogan, nếu cần thiết, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể thảo luận với chính phủ mới tại Afghanistan để đảm bảo an ninh và ổn định cho đất nước.
Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bối cảnh số lượng lớn người Afghanistan đang tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ những tuần gần đây. Tâm lý chống người gia di cư gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đối mặt với những khó khăn kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp cao. Tổng thống Erdogan khẳng định: Châu Âu cần nhớ thực tế rằng sẽ không thể đứng ngoài vấn đề người tị nạn bằng cách tăng cường chặt biên giới để bảo vệ sự an toàn và thịnh vượng của mình. Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa vụ và trách nhiệm trở thành kho tị nạn của châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 5 triệu người tị nạn nước ngoài bao gồm 3,6 triệu người Syria sơ tán nội chiến và khoảng 300.000 người Afghanistan. Khoảng hơn 1 triệu người nước ngoài đã được cấp thẻ cư trú công dân. Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn dòng người di cư và tị nạn hướng đến châu Âu, đổi lại là sự hỗ trợ tài chính của EU và miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu.
Tin nổi bật
Tin Video