Các ngân hàng Pakistan từ chối mở thư tín dụng cho nhập khẩu dầu thô của Nga
(VOVTV) - Các ngân hàng thương mại của Pakistan đã tuyên bố, việc nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua công cụ thanh toán là đồng USD là không thể.
Tất cả các ngân hàng thương mại của Pakistan đã từ chối mở thư tín dụng (LC) để nhập khẩu dầu thô có xuất xứ từ Nga. Quyết định này được đưa ra trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Theo nguồn tin địa phương, các ngân hàng thương mại của Pakistan đã tuyên bố, việc nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua công cụ thanh toán là đồng USD là không thể. Tuy nhiên, nếu chính quyền Pakistan ký kết thỏa thuận liên chính phủ (G2G) với Nga về mua bán dầu thô thông qua phương thức giao dịch bằng đồng rúp thì điều này hoàn toàn có thể diễn ra.
Thỏa thuận này phải đảm bảo rằng Pakistan sẽ không chịu bất cứ lệnh trừng phạt nào vì giao dịch với Nga.
Pakistan hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và đang cân nhắc việc mua dầu giá rẻ từ Nga. Nhập khẩu dầu nhiên liệu hàng tháng của Pakistan vừa đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Nhập khẩu dầu nhiên liệu của nước này có thể tăng lên khoảng 700.000 tấn. Hơn nữa, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Pakistan phải cân nhắc trước các đơn hàng nhiên liệu có giá cao.
Việc nhập khẩu dầu của Nga, tuy rằng giá rẻ hơn, nhưng sẽ là một thách thức tương đối lớn với Pakistan. Tất cả các nhà máy lọc dầu ở Pakistan có thể pha trộn dầu của Nga với các loại dầu khác hiện đang sử dụng với tỷ lệ từ 15-30% tùy vào các điều kiện kỹ thuật nhằm cho ra sản phẩm cuối cùng.
Quan trọng hơn, việc nhập khẩu dầu của Nga sẽ dẫn đến chi phí vận chuyển cao khi các chuyến vận tải từ Biển Đen sẽ mất khoảng 16-26 ngày so với 4-5 ngày từ Trung Đông. Điều này có nghĩa là chi phí vận chuyển hàng hóa, từ các cảng của Nga đến Karachi, ở mức 8 USD/thùng, cao hơn từ 8-12 lần so với từ các cảng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hơn nữa, tuyến đường vận chuyển có khả năng đi qua các khu vực chiến sự, điều này sẽ tiềm ẩn các yếu tố rủi ro.
Tin nổi bật
Tin Video