Các nền kinh tế mới nổi chuẩn bị cho kịch bản Fed thắt chặt chính sách tiền tệ
Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các nhà đầu tư nhận định chỉ số lạm phát tạm thời ở Mỹ tăng lên là do kinh tế phục hồi không ổn định và các nút thắt nguồn cung chậm được tháo gỡ.
Theo tạp chí Eurasia Review, trong phần lớn thời gian của năm 2021, các nhà đầu tư nhận định chỉ số lạm phát tạm thời ở Mỹ tăng lên là do kinh tế phục hồi không ổn định và các nút thắt nguồn cung chậm được tháo gỡ.
Tuy nhiên, hiện tình hình đã thay đổi. Giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần bốn thập kỷ và thị trường lao động khó khăn bắt đầu dẫn đến việc tăng lương. Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đã làm tăng thêm những quan ngại về áp lực nguồn cung đối với lạm phát.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) coi diễn biến về lạm phát là một yếu tố chính trong quyết định hồi tháng trước nhằm đẩy nhanh việc giảm các giao dịch mua tài sản.
Những thay đổi này đã khiến triển vọng đối với các thị trường mới nổi trở nên không chắc chắn. Các quốc gia này cũng đang đối mặt với lạm phát gia tăng và tình trạng nợ công cao hơn đáng kể.
Tổng nợ chính phủ trung bình ở các thị trường mới nổi tăng gần 10 điểm phần trăm kể từ năm 2019 và có thể lên tới 64% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2021, mặc dù mức độ nợ giữa các quốc gia có sự khác nhau.
Ngoài ra, trái ngược với Mỹ, sự phục hồi kinh tế và thị trường lao động của những nền kinh tế này kém mạnh mẽ hơn. Trong khi chi phí đi vay bằng đồng USD vẫn ở mức thấp đối với nhiều nước, những quan ngại về lạm phát trong nước và nguồn vốn nước ngoài ổn định đã khiến một số thị trường mới nổi, bao gồm Brazil, Nga và Nam Phi, bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái.
Những nguy cơ mới đối với sự phục hồi
Các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục kỳ vọng vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ. Lạm phát có thể sẽ ở mức vừa phải vào cuối năm nay do gián đoạn nguồn cung giảm và sự thắt chặt tài khóa có thể tác động đến nhu cầu.
Chính sách của Fed cho thấy cơ quan này có thể tăng chi phí đi vay nhanh hơn so với dự kiến. Nếu lãi suất chính sách tăng và lạm phát ở mức vừa phải như dự kiến, lịch sử cho thấy những tác động của việc thắt chặt tài khóa đối với các thị trường mới nổi có thể diễn ra từ từ. Các đồng tiền của thị trường mới nổi có thể vẫn mất giá, nhưng nhu cầu nước ngoài sẽ bù đắp tác động từ việc tăng chi phí tài chính.
Tác động lan tỏa đối với các thị trường mới nổi có thể nhẹ hơn. Lạm phát tiền lương ở Mỹ hoặc tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kéo dài có thể thúc đẩy giá cả cao hơn dự đoán và khiến lạm phát tăng nhanh hơn. Việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn để đối phó có thể sẽ làm chao đảo thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Những diễn biến này có thể đi kèm với sự chậm lại của nhu cầu và thương mại từ Mỹ và có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra bên ngoài cũng như giảm giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi.
Trong Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới và ổn định tài chính toàn cầu được công bố hồi tháng 10 năm ngoái, IMF nhận định tác động của việc Fed thắt chặt trong một kịch bản như vậy có thể sẽ nghiêm trọng hơn đối với những quốc gia dễ bị tổn thương.
Trong những tháng gần đây, các thị trường mới nổi có nợ công và nợ tư nhân cao, chênh lệch tỷ giá hối đoái và số dư tài khoản vãng lai thấp hơn đã chứng kiến sự biến động lớn hơn của đồng nội tệ so với đồng USD. Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm hơn và mức độ dễ bị tổn thương tăng cao có thể tạo ra những tác động bất lợi cho các nền kinh tế như vậy.
Những sự đánh đổi khó khăn
Một số thị trường mới nổi đã bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ và chuẩn bị cắt giảm hỗ trợ tài khóa để giải quyết vấn đề nợ và lạm phát gia tăng. Để đối phó với các điều kiện tài trợ thắt chặt hơn, các thị trường mới nổi nên điều chỉnh phản ứng dựa trên hoàn cảnh và tính chất dễ bị tác động của mình.
Những quốc gia có sự tín nhiệm chính sách về kiềm chế lạm phát có thể thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ, trong khi những nước khác có áp lực lạm phát mạnh hơn hoặc thể chế yếu hơn phải hành động nhanh chóng và toàn diện.
Trong cả hai trường hợp, các phản ứng nên bao gồm việc để đồng tiền giảm giá và tăng lãi suất chuẩn. Nếu đối mặt với tình trạng rối loạn trên thị trường ngoại hối, các ngân hàng trung ương có đủ lượng dự trữ có thể can thiệp với điều kiện sự can thiệp này không thay thế việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô một cách có bảo đảm.
Tuy nhiên, những hành động như vậy có thể đặt ra những lựa chọn khó khăn cho các thị trường mới nổi, khi họ đánh đổi việc hỗ trợ nền kinh tế yếu kém trong nước với việc duy trì giá cả và sự ổn định bên ngoài. Tương tự, việc mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp có thể làm tăng rủi ro tín dụng và làm suy yếu sức khỏe dài hạn của các tổ chức tài chính do việc ghi nhận các khoản lỗ bị trì hoãn. Và việc rút lại các biện pháp đó có thể thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính, làm suy yếu sự phục hồi kinh tế.
Để có thể kiểm soát những đánh đổi này, các thị trường mới nổi có thể thực hiện các bước đi ngay bây giờ để củng cố khuôn khổ chính sách và giảm thiểu các tác động. Đối với các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tài khóa để kiềm chế áp lực lạm phát, việc thông tin một cách rõ ràng và nhất quán về các kế hoạch chính sách có thể nâng cao hiểu biết của công chúng về nhu cầu thực hiện ổn định giá cả.
Các quốc gia có mức nợ bằng ngoại tệ cao nên tìm cách giảm thiểu các khoản nợ không phù hợp này và phòng ngừa rủi ro khi có thể. Để giảm rủi ro chuyển nhượng, cần phải kéo dài thời gian đáo hạn của các nghĩa vụ nợ ngay cả khi điều đó làm tăng chi phí. Các quốc gia mắc nợ cao cũng có thể cần bắt đầu điều chỉnh tài khóa sớm hơn và nhanh hơn.
Việc tiếp tục hỗ trợ chính sách tài chính cho các doanh nghiệp cần được xem xét lại và các kế hoạch bình thường hóa hỗ trợ đó phải được điều chỉnh một cách cẩn thận cho phù hợp với triển vọng và để duy trì sự ổn định tài chính.
Đối với các quốc gia có nợ doanh nghiệp và các khoản nợ xấu cao ngay cả trước đại dịch, một số ngân hàng yếu hơn và các tổ chức cho vay phi ngân hàng có thể đối mặt với những lo ngại về khả năng thanh toán nếu nguồn tài chính trở nên khó khăn. Do đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ chế giải quyết.
Lòng tin và các cam kết
Ngoài các biện pháp tức thời này, chính sách tài khóa có thể giúp xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc. Việc đặt ra một cam kết đáng tin cậy cho một chiến lược tài khóa trung hạn sẽ giúp tăng cường niềm tin của giới đầu tư và tạo dư địa cho hỗ trợ tài khóa trong thời kỳ suy thoái. Một chiến lược như vậy có thể bao gồm việc công bố một kế hoạch toàn diện để tăng dần nguồn thu từ thuế, cải thiện hiệu quả chi tiêu hoặc thực hiện các cải cách tài khóa cơ cấu về lương hưu và trợ cấp.
Cuối cùng, bất chấp sự phục hồi kinh tế dự kiến, một số quốc gia có thể cần dựa vào mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Điều đó có thể bao gồm việc sử dụng các dòng hoán đổi, các thỏa thuận tài chính khu vực và các nguồn lực đa phương. IMF đã đóng góp với việc phân bổ 650 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) vào năm ngoái, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi những nguồn lực như vậy có thể hỗ trợ tăng cường chống lại sự suy thoái kinh tế tiềm ẩn, các giai đoạn trước đây đã cho thấy một số quốc gia có thể cần thêm dư địa để điều chỉnh tài chính.
Đó là lý do tại sao IMF đã điều chỉnh bộ công cụ cho vay tài chính đối với các quốc gia thành viên. Các quốc gia có chính sách mạnh mẽ có thể sử dụng các hạn mức tín dụng phòng ngừa để ngăn chặn khủng hoảng. Những nước khác có thể tiếp cận các khoản vay phù hợp với mức thu nhập của họ, mặc dù các chương trình phải được duy trì bằng các chính sách bền vững giúp khôi phục sự ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong khi sự phục hồi toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay và năm tới, rủi ro đối với tăng trưởng vẫn cao do đại dịch COVID-19 vẫn lây lan mạnh mẽ. Xét tới nguy cơ rủi ro điều này có thể xảy ra đồng thời với việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị sẵn sàng cho những bất ổn kinh tế tiềm tàng.
Tin nổi bật
Tin Video