Các mức xử phạt "khủng" về y tế có hiệu lực từ 15/11
Nghị định 117 có hiệu lực từ ngày 15/11 quy định cụ thể hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, với các mức xử phạt "khủng" lên tới 200 triệu đồng.
Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định nêu, vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt từ 1 - 15 triệu đồng. Trong đó, phạt từ 10-15 triệu đồng khi đưa tin không chính xác, hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch...
Tại Điều 6, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp đảm bảo vệ sinh nơi sản xuất, kinh doanh, xử lý chất thải công nghiệp và biện pháp vệ sinh khác....
Cùng mức xử phạt 10-20 triệu đồng, là các hành vi che giấu, không khai báo, hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Ở mức xử phạt từ 30-40 triệu đồng là vi phạm một số các hành vi: Không tổ chức diễn tập phòng ngừa, khắc phục sự cố an toàn sinh học hằng năm đối với cơ sở xét nghiệm an toàn học sinh cấp 3.
Tại Điều 9, ở khoản 6 có mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng khi sử dụng vắc-xin không có giấy đăng ký lưu hành, vắc-xin đã hết hạn sử dụng, vắc-xin kém chất lượng.
Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng khi không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Tại khoản 5, Điều 12 có mức xử phạt 30-40 triệu đồng với một số các hành vi, trong đó có việc không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vẩn tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Tại khoản 4, Điều 19 của Nghị định có nêu mức xử phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Nghị định nêu mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi từ chối điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến đến việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao đồng vì lý do người lao động nhiễm HIV sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng. Đặc biệt, mức xử phạt khủng lên tới 40 triệu đồng, nếu không in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật với với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực rượu, bia, nếu sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia quảng cáo rượu bia sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng.
Liên quan đến khám chữa bệnh, quy định từ Điều 38 đến 51, trong đó có mức phạt tiền "khủng" từ 30-40 triệu đồng khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận.
Trong nghị định cũng nêu mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
Đặc biệt một số hành vi vi phạm về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế có mức phạt tiền lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức./.
Tin nổi bật
Tin Video