Khám phá

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh

Đất trời thật khéo chiều lòng người khi cho Hà Nội một mùa đông lạnh nhưng cũng lại cho Hà Nội những món ăn, món quà vặt hợp khẩu vị con người trong thời tiết này. Hà Nội giờ có nhiều món ngon nhưng nhiều người vẫn thích, vẫn thèm những món ăn được chế biến từ sắn...

22/12/2020 11:35

Chè sắn nóng

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh - Ảnh 1.

Những bát chè sắn nóng hổi là thức quà không thể thiếu trong những ngày đầu đông ở Hà Nội

Khi những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về, nhiều người Hà Nội lại thèm được cầm bát chè sắn nóng trong tay, thưởng thức vị ngọt thanh, đặc sánh. Chè có vị bùi, thơm của gừng, đường hoa mai. Nước chè sánh, nâu vàng màu cánh gián.

Nguyên liệu nấu chè sắn rất đơn giản, chỉ có sắn, đường mật và gừng. Sắn để nấu chè nên chọn sắn tươi, rửa sạch, khía chéo quanh thân, củ để tách vỏ. Sau đó đem xắt nhỏ hơn khẩu mía một chút, bỏ xơ rồi ngâm trong nước sạch pha muối 4-8 giờ để nhựa trong sắn thôi ra hết, không bị say khi ăn nhiều. Luộc sắn trong 10 phút, sắn hơi mềm thì vớt ra, để nguội.

Nấu nước với đường vàng, khuấy đều đến khi tan đường thì cho vài lát gừng vào nấu cùng cho thơm. Sau đó cho sắn vào nồi, đun liu riu cho sắn ngấm đường. Hòa tan bột năng với chút nước, đổ từ từ vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi chè có độ sánh như ý thì dừng lại. Để nồi chè sôi trở lại khoảng 2 phút thì tắt bếp.

Múc chè ra bát, ăn nóng. Nếu thích món chè béo ngậy hơn thì cho thêm nước cốt dừa.

Đưa một thìa lên miệng, chậm rãi cảm nhận rõ cái vị thơm nồng, ngon ngọt nơi đầu lưỡi. Dường như cái nóng, cái ngọt, cái béo bùi của sắn, cái ấm nồng của gừng giúp xua tan cái lạnh mùa đông.

Bánh sắn nóng

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh - Ảnh 2.

Những chiếc bánh sắn gợi nhớ kỉ niệm xưa

Ngày xưa đâu có quà bánh gì nhiều ngoài củ khoai, củ sắn... nên mẹ chịu khó chế biến chúng thành những món ăn lạ miệng cho cả nhà thưởng thức.

Những đêm đông Hà Nội, trong ánh đèn điện không lấy gì làm sáng, và đôi lúc, trong bóng đèn dầu vì mất điện, mùi bánh thơm ngọt ngào cùng với tiếng cười thích thú, háo hức là cảm xúc không bao giờ quên được.

Nguyên liệu để làm bánh sắn gồm có: Sắn củ, đậu xanh đã tách vỏ, sữa đặc, dừa bào sợi, nước cốt dừa và một ít vừng đen đã rang thơm.

Sắn làm sạch rồi ngâm với nước pha muối 4 giờ cho bớt nhựa. Đậu xanh cũng ngâm trong 4 giờ.

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh - Ảnh 3.

Nguyên liệu làm món bánh sắn

Luộc sắn với đậu xanh, thêm chút muối cho đến khi bở chín. Gạn hết nước, đun lửa liu riu cho sắn, đậu xanh khô se lại. Sau đó lấy sắn ra, bỏ xơ, nghiền sắn tơi mịn. Có thể cho nước cốt dừa và sữa đặc vào cùng cho dễ xay hơn.

Trộn đều hỗn hợp này với dừa tươi cho thật hòa quyện rồi chia thành các khối bột đều nhau, vo tròn, ấn dẹt đều xuống. Khi vo, nên xoa dầu ăn lên lòng bàn tay để không bị dính và dễ vo viên hơn. Rắc vừng lên bề mặt bánh.

Bánh có thể ăn ngay hoặc nướng trên chảo hay lò nướng bánh đều được. Nếu cho vào lò nướng, để 170 độ C trong 10 phút, sau đó tăng lên 200 độ C và để 15 phút cho khô xém bề mặt.

Ngày cuối tuần đông lạnh Hà Nội, nhâm nhi miếng bánh sắn nướng nóng hổi càng thấy nhớ và thương mẹ nhiều hơn.

Xôi sắn mỡ hành

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh - Ảnh 4.

Nguyên liệu làm món xôi sắn

Có người bảo món xôi sắn mỡ hành được ra đời bởi những cái lưỡi luôn mong nhớ món cơm độn thời bao cấp.

Ngày ấy, khi tiết trời se lạnh, mẹ hay mua sắn về gọt vỏ và rửa sạch, sau đó ngâm nước muối qua đêm cho sắn ra hết nhựa. Sáng hôm sau, mẹ dậy sớm, cho tất cả vào nồi luộc. Sắn chín vừa tới, mẹ đổ ra một cái rổ, gỡ bỏ xơ sắn và bẻ nhỏ thành những miếng vừa miệng ăn, rồi lại cho vào nồi đậy vung và “vần” nhỏ lửa trên bếp.

Mẹ bắc chảo phi nắm hành hoa thái nhỏ cùng chút mỡ cho thật thơm rồi đổ một bát nước mắm đã pha loãng vào, vặn nhỏ lửa, chưng lên cho thật dậy mùi.

Các món ngon từ sắn ấm lòng ngày đông lạnh - Ảnh 5.

Xôi sắn mỡ hành - món điểm tâm sáng cho ngày đông Hà Nội

Sắn nóng được đơm ra bát, rưới nước mắm hành mỡ, điểm thêm mấy cái tóp mỡ béo ngậy có một sức quyến rũ tuyệt vời. Sáng ngủ dậy được một bát như thế là thấy sung sướng lắm rồi.

Chị em tôi gọi món ăn ấy là “xôi sắn” cho nó sang thôi, chứ kỳ thực đó là món sắn luộc, nhìn tinh mới thấy hạt gạo. Ngày ấy, đến gạo tẻ còn chẳng có mà thổi cơm chứ lấy đâu ra gạo nếp để mà thổi xôi.

Những năm tháng xa xôi mà gần gũi đã trở thành một phần của ký ức. Nhìn bát xôi sắn nóng hổi nấu cho con hôm nay: Gạo nếp nương là chủ đạo, điểm một chút sắn, thêm nhiều hành phi và ruốc tôm rắc lên mà cứ nhớ bát “xôi sắn” ngày xưa…

Ý kiến của bạn