Các khoản vay sinh viên - Rắc rối ông Biden có thể đối mặt khi nhận chức
Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ dự đoán sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, có thể phải đối mặt với một mớ hỗn độn khoản vay sinh viên nếu gói cứu trợ COVID-19 của chính quyền Tổng thống Trump hết hạn.
Theo đài CNN (Mỹ), sinh viên Mỹ đã được hoãn thanh toán các khoản nợ kể từ tháng 3/2020, tuy nhiên, khoản cứu trợ đại dịch liên bang này sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới, trừ khi Tổng thống Donald Trump hoặc Quốc hội tiếp tục gia hạn.
Nếu không đẩy lùi thời hạn hoãn trả nợ, hàng triệu khoản vay sinh viên sẽ đến hạn thanh toán, vài tuần trước khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Ngay cả khi ông Biden gia hạn hoãn trả nợ, điều này có thể khiến người vay mơ hồ và chính quyền tổng thống mới sẽ phải đối mặt với một mớ hỗn độn trong việc giải quyết các khoản vay, khi nền kinh tế phục hồi chậm và các ca mắc COIVD-19 ngày càng gia tăng.
Chính vì vậy, ông Biden sẽ phải lựa chọn: giữ nguyên chính sách của ông Trump, hoặc xóa bỏ hoàn toàn các khoản nợ. Đây là một động thái mà một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng ông Biden có thể thực hiện mà không cần Quốc hội thông qua.
Hôm 16/11, cựu Phó Tổng thống Mỹ đã bỏ qua một câu hỏi về việc liệu ông có sử dụng quyền hành pháp để xóa nợ cho sinh viên khi nhậm chức hay không. Thay vào đó, ông đã bày tỏ sự ủng hộ gói kích cầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện, đó là kéo dài thời hạn hoãn trả nợ đến tháng 9/2021 và xóa bỏ một số khoản nợ sinh viên.
“Cơ quan lập pháp tại Hạ viện đã kêu gọi xóa nợ 10.000 USD cho các khoản vay sinh viên. Các khoản nợ này đang khiến mọi người gặp rắc rối. Họ đang phải quyết định đưa ra lựa chọn giữa việc trả nợ sinh viên hay trả tiền thuê nhà. Việc xóa nợ sinh viên cần được thực hiện ngay lúc này ”, ông Biden nói.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã miễn lãi suất cho các khoản vay sinh viên hồi tháng 3, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực lớn của nền kinh tế phải đóng cửa để đối phó với đại dịch COVID-19.
Việc cứu trợ khoản vay sinh viên đã được thúc đẩy trong gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỉ USD của chính phủ trong bối cảnh đại dịch. Theo chương trình này, Chính phủ Mỹ đã tự động tạm hoãn việc trả nợ và miễn lãi suất cho các khoản vay dành cho sinh viên liên bang đến hết tháng 9. Tổng thống Trump sau đó đã chuyển ngày hết hạn sang cuối năm theo lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, việc hoãn trả nợ và miễn lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay do liên bang nắm giữ, bao gồm khoảng 85% các khoản vay sinh viên liên bang. Điều này cũng bao gồm các khoản nợ được gọi là khoản vay liên bang trực tiếp, cũng như các khoản vay bổ sung mà cha mẹ sinh viên đại diện cho con cái họ vay tiền.
Các động thái khẩn cấp được đưa ra sau nhiều năm tranh luận giữa các thành viên đảng Dân chủ về cách thức giảm bớt các khoản nợ khổng lồ cho sinh viên Mỹ.
Tuy nhiên, không giống như các thành viên đảng Dân chủ tiến bộ hơn, ban đầu, ông Biden không đưa việc xóa nợ cho sinh viên vào chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng cuối cùng ông đã chấp nhận kế hoạch xóa khoản nợ 10.000 USD cho mỗi người vay để giúp đỡ các gia đình trong thời kỳ đại dịch.
Các thành viên Đảng Dân chủ cấp tiến dường như đã sẵn sàng gây áp lực buộc ông Biden phải giữ nguyên cam kết này, bao gồm cả Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, người đang thúc giục ông Biden "hủy bỏ khoản nợ sinh viên hàng tỉ USD" vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Hồi tháng 9, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump xóa khoản nợ 50.000 USD cho mỗi người vay. Bà Warren lập luận rằng Bộ trưởng Giáo dục có thẩm quyền xóa các khoản vay liên bang dành cho sinh viên , một yêu cầu được sao lưu trong một bản ghi nhớ từ các luật sư tại Trung tâm Dịch vụ Pháp lý của Đại học Harvard và Dự án cho vay sinh viên với giá cắt cổ.
“Bộ trưởng có một số quyền hạn xóa nợ cho sinh viên. Nhưng vấn đề pháp lý và thực tế đó là chính quyền đó có thể đi được bao xa”, Robert Shireman, người từng phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Obama với tư cách là thứ trưởng bộ giáo dục, nói.
Bộ trưởng Giáo dục cũng có thể xóa các khoản nợ cho những sinh viên bị các trường đại học của họ lừa đảo. Có hàng nghìn sinh viên đi vay cho biết họ bị các trường đại học lừa đảo và đã yêu cầu Bộ Giáo dục xử lý. Thực trạng này đã xảy ra trong nhiều năm và Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos đã rút lại các chính sách thời ông Obama để giúp quá trình tìm kiếm cứu trợ dễ dàng hơn cho những sinh viên này.
Mạng lưới bảo vệ pháp lý cho sinh viên quốc gia, được thành lập bởi các cựu quan chức của Bộ Giáo dục, đang thúc giục ông Biden sử dụng quyền hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức để xóa nợ sinh viên cho những người bị lừa đảo, những sinh viên đang theo học tại những ngôi trường đã đóng cửa, cũng như những khoản nợ của sinh viên bị tàn tật suốt đời. Họ hy vọng điều này có thể cứu trợ hàng trăm nghìn sinh viên đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Tin nổi bật
Tin Video