Các huyện ngoại thành Hà Nội chuẩn bị những gì để đón học sinh trở lại trường?
(VOVTV) - Ngay sau khi UBND TP. Hà Nội phê duyệt tờ trình của Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép học sinh 18 huyện, thị xã trên địa bàn trở lại trường từ ngày 8/11, nhiều địa phương, trường học ở ngoại thành Hà Nội đã khẩn trương rà soát theo các tiêu chí phòng, chống dịch, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để đón học sinh tới trường.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, các trường trên địa bàn huyện có số lượng học sinh ít, sĩ số tại các lớp không đông nên có thể giữ nguyên lớp để dạy. Với các trường cấp trung học cơ sở, trường sẽ chia khối 6 học sáng, khối 9 học chiều, các phòng học cách nhau để đảm bảo giãn cách.
"Trước mắt, Phòng đã chỉ đạo các trường ổn định việc ôn tập và học theo chương trình, sau đó sẽ lên kế hoạch cụ thể đối với học sinh khối 9, đảm bảo ưu tiên cho học sinh cuối cấp", ông Phùng Ngọc Oanh cho biết thêm.
Tại huyện Mỹ Đức, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã và đang khảo sát ý kiến từ các trường. Trên cơ sở những ý kiến đó, Phòng sẽ dự thảo công văn để báo cáo huyện. Trong 1-2 ngày tới sẽ triển khai được nội dung cụ thể đến các trường.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức cho biết, trước mắt, Phòng định hướng cho các trường tự đánh giá về mức độ an toàn theo 16 tiêu chí của liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành. Trường nào nằm trong tiêu chí đảm bảo an toàn sẽ được tổ chức dạy trực tiếp; trường nào chưa đảm bảo độ an toàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải xin ý kiến cấp trên rồi mới quyết định.
"Trường nào đảm bảo sĩ số để giãn cách thì sẽ giữ nguyên, trường nào đông học sinh thì sẽ chia ra để đảm bảo giãn cách. Chúng tôi dự kiến bố trí học sinh ngồi theo hình dích dắc để đảm bảo giãn cách giữa hai học sinh ít nhất là 1,5m", ông Lê Văn Hiến cho biết thêm.
Các trường ở khu vực ngoại thành cũng đã chủ động tự rà soát, đánh giá cấp độ an toàn theo 16 tiêu chí của liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Y tế Hà Nội đã hướng dẫn, sau đó bắt tay vào thực hiện từng công việc cụ thể.
Hoàn thành công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp từ nhiều ngày trước, Trường Trung học Cơ sở Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) đã sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh tới trường. Ông Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi học sinh đi học trở lại, trường sẽ bố trí cho các em học giãn cách phòng, cố gắng hạn chế tối đa học sinh và hạn chế tiếp xúc giữa các lớp.
Trường Trung học Cơ sở Hợp Thanh có 28 lớp. Nếu chỉ có lớp 6 và lớp 9 đi học thì chỉ có 14 lớp. Học sinh sẽ đi từ nhà đến trường, vào thẳng lớp, hạn chế tối đa việc các em giao lưu, đi sang lớp khác. Nhà trường đã chia trường thành các khu để học sinh ra chơi trong phạm vi nhỏ. Điều này sẽ làm cho việc truy vết, khoanh vùng dễ dàng hơn nếu không may trong trường có ca F0.
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã tập huấn cho giáo viên, nhân viên về phương án phòng, chống dịch, rà soát đối tượng học sinh và gia đình các em về từ vùng dịch. Khi đi học trở lại, ngoài việc dạy trực tiếp cho học sinh, nhà trường sẽ gắn 1 camera trực tiếp tại lớp học để đảm bảo cho các em đang thực hiện cách ly được học cùng cả lớp.
Trường Tiểu học Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cũng đã có kế hoạch chi tiết cho việc đón học sinh trở lại trường. Song song với đó, khi học sinh đến trường, nhà trường sẽ rà soát lại kiến thức của các em trong thời gian học trực tuyến. Nếu học sinh nào còn hổng kiến thức, giáo viên sẽ có phương án bổ sung kịp thời, giúp các em theo kịp chương trình.
Một vấn đề đang khiến các trường, giáo viên băn khoăn là việc chia lớp để đảm bảo giãn cách sẽ khiến số giờ làm việc của giáo viên tăng lên, giáo viên sẽ phải vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. Lấy ví dụ ở cấp trung học cơ sở, giáo viên không chỉ dạy 1 lớp như ở cấp tiểu học, có người phải dạy cả khối 6, 7, 8, 9… rồi lại phải dạy cả trực tiếp và trực tuyến. Do đó, nếu chỉ dạy một thời gian ngắn, giáo viên có thể cố gắng sắp xếp, nhưng về lâu dài thì nhà trường cùng các Phòng Giáo dục và Đào tạo phải tính toán, phân công một cách hợp lý, khoa học.
Tin nổi bật
Tin Video