Các hãng hàng không Mỹ vẫn chật vật gánh chi phí dù bùng nổ nhu cầu đi lại
(VOVTV) - Các hãng hàng không Mỹ đang chật vật để gánh khoản chi phí vận hành ngày càng cao ngay cả khi nhu cầu đi lại đang bùng nổ, làm dấy lên những nghi ngại về khả năng các hãng có thể tiếp tục sinh lời khi nhu cầu giảm đi.
Tâm lý lo ngại khiến giá trị cổ phiếu hàng không chịu ảnh hưởng, khi các nhà đầu tư không còn quá tập trung vào những thông tin tích cực rằng ngành hàng không sẽ có mùa doanh thu cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Các cổ phiếu của Tập đoàn American Airlines và Uniterd Airlines (Mỹ) đều giảm hơn 9% trong ngày giao dịch 21/7 kể cả khi cả 2 doanh nghiệp này đều công bố quý đầu tiên hoạt động có lãi mà không cần trợ cấp chính phủ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Các hàng hàng không hy vọng nhu cầu đi lại sẽ duy trì kể cả trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh rất ít dấu hiệu cho thấy giá vé sẽ tăng, lạm phát duy trì ở mức cao và lãi suất tăng hạn chế người dùng chi tiêu.
Tuy nhiên, các vấn đề như thiếu nhân viên và thiếu máy bay khiến các hãng khó có thể nâng công suất dịch vụ và khai thác triệt để nguồn nhu cầu đang bùng nổ. Trên thực tế, các hãng hàng không đã buộc phải cắt giảm số lượng chuyến bay và thực hiện những điều chỉnh nhân sự gây tốn kém để tránh tình trạng hoãn và hủy chuyến, làm phát sinh thêm nhiều chi phí.
Với các hãng hàng không như American, United và Delta Air Lines, áp lực chi phí dường như sẽ không giảm trong năm nay khi những giới hạn công suất phục vụ không cho phép các hãng này vận hành nhiều chuyến bay như trước khi đại dịch xảy ra. Delta không có kế hoạch tăng số lượng chuyến bay trong nửa cuối năm. Tương tự, United Airlines dự định duy trì công suất dưới mức trước đại dịch trong quý III và quý IV/2022.
Để đảm bảo đủ nhân viên phục vụ, các hãng cũng buộc phải chi trả thêm. Ví dụ, Delta dự kiến chi hơn 700 triệu USD trong năm 2022 cho các nhân viên làm thêm giờ và làm việc trong các ngày nghỉ, cao hơn 50% so với mức chi năm 2019. Các hãng hàng không cũng đang bị "kìm chân" vì các dự án xây dựng tại các sân bay và tình trạng thiếu nhân viên kiểm soát không lưu. United Airlines sẽ cắt giảm 200 chuyến bay/ngày tại sân bay tại Newark trong tháng 9 do sân bay này xây dựng đường bay.
Một số nghiệp đoàn và các nhà phân tích cho rằng vì ngành này đã sa thải hàng nghìn nhân công trong đợt cao điểm dịch COVID-19 năm 2020 nên giờ đang phải đương đầu với những khó khăn về nhân sự.
Thời gian qua, các hãng cũng đẩy mạnh tuyển dụng nhưng những khó khăn trong đào tạo nhân viên khiến tình trạng thiếu người kéo dài. Chi phí thuê nhân công cũng tăng trong bối cảnh các hãng đua nhau tìm người. American Airlines đang trả cho các phi công mức lương cơ bản cao hơn 17% sau khi United Airlines nhất trí tăng lương với tốc độ ở mức 2 con số cho các phi công.
Các hãng hàng không cũng phải gánh chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng giá nhiên liệu toàn cầu giảm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng. Dù vậy, United Airlines cho rằng giá nhiên liệu về lâu dài sẽ vẫn cao, dự báo chi phí nhiên liệu năm 2022 cao hơn khoảng 9 tỷ so với năm 2019. Cho đến nay, nhu cầu bùng nổ đã phần nào giúp giảm áp lực lạm phát với các hãng khi áp dụng giá vé cao hơn. Tuy nhiên, giới phân tích không chắc liệu khi nhu cầu giảm vào mùa Thu, các hãng có thể tiếp tục duy trì lợi thế giá này hay không.
Theo nhà phân tích cấp cao Christopher Raite, từ Third Bridge, khi đó hoạt động đi lại phục vụ các chuyến công tác phải tăng để bù đắp. Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn đang chật vật để đưa hoạt động trở lại guồng quay đều đặn hơn trong khi triển vọng kinh tế u ám hơn có thể sẽ khiến nhu cầu đi lại vì mục đích công tác giảm.
Hiện nhiều công ty đã bắt đầu chính sách siết chặt chi tiêu. Về cơ bản, ngành hàng không đang kiếm được ít lợi nhuận hơn so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nếu các doanh nghiệp cũng cắt giảm chi tiêu, đó sẽ là tín hiệu xấu với các hãng hàng không./.
Tin nổi bật
Tin Video