Các địa phương tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí, siết chặt phòng chống dịch Covid-19
(VOVTV) - Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhiều địa phương trong cả nước đã tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, trong đó, tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ – Trần Việt Trường có công điện yêu cầu các cơ quan đơn vị trên địa bàn thực hiện nâng cao các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, theo công điện số 570 ngày 2/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 583 ngày 2/5/2021 của Bộ Y Tế.
Theo đó, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhà máy, Ban giám hiệu các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên ra khỏi thành phố vào kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 thực hiện khai báo đầy đủ thông tin những địa phương đã đi qua.
UBND thành phố Cần Thơ, cấp ủy, chính quyền các cấp tuyệt đối không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (Karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử) bắt đầu từ 0h ngày 4/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước gửi công văn khẩn yêu cầu thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Công văn yêu cầu kích hoạt ngay quy trình phòng, chống dịch tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh; nâng mức cảnh báo lây nhiễm dịch bệnh lên mức cao nhất. Song song đó, tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người không cần thiết.
Đối với các sự kiện cần thiết phải tổ chức tập trung từ 100 người trở lên phải có văn bản xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh; những hoạt động dưới 100 người phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thực hiện nghiêm quy định 5K. Những trường hợp đi về/đến tỉnh Bình Phước từ các tỉnh, thành phố có ca nhiễm trong cộng đồng phải thực hiện khai báo y tế.
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Là địa phương có đường biên giới dài hơn 260Km giáp ranh với Campuchia, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Tại tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Sở Y tế chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố sẵn sàng phương án để lập lại các chốt, sử dụng điểm cách ly tập trung của huyện khi cần thiết; hướng dẫn công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi từ tỉnh ngoài về phải thực hiện khai báo y tế theo quy định. Giao lực lượng Công an kiểm tra, nắm bắt tình hình người đến, đi trên địa bàn; đồng thời tăng cường hỗ trợ ngành y tế giám sát các đối tượng đang cách ly tại gia đình.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, hệ thống phòng chống dịch của từng ngành, đơn vị, địa phương đã được tái kích hoạt. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết về công tác phòng chống dịch lâu dài, sẵn sàng chủ động khi có tình huống xảy ra; người dân cần thực hiện nghiêm túc việc thực hiện đeo khẩu trang tại các nơi công cộng và không tổ chức các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
Trước đó, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn yêu cầu các tổ dân phố, thôn, xóm thông báo khi có người từ địa phương khác đến tỉnh Cao Bằng và người ở tỉnh Cao Bằng đi ra ngoài tỉnh trở về sau ngày 29/4 thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR Code. Mặc dù Cao Bằng chưa có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng hiện địa phương này vẫn phát hiện hàng chục trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới mỗi ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La ngày 3/5 đã có văn bản về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân khi từ ngoại tỉnh về thành phố Sơn La, nhất là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế.
Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh, các chuyên gia vào địa bàn làm việc; sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo tại nhà hoặc nơi cư trú và yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Đồng thời tạm dừng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massa, internet; tạm dừng các tiệc cưới, các cuộc liên hoan tập trung đông người trên địa bàn từ 0h ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. Các đám hiếu cần được giám sát, tổ chức giãn cách trong thăm hỏi, phúng viếng; tất cả mọi người tham gia đám hiếu phải đeo khẩu trang.
Chiều nay 3/5, UBND tỉnh An Giang đã vừa phát đi công điện hỏa tốc số 377, về việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; đồng thời, kể từ 0h ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. Tạm dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết như karaoke, quán bar, vũ trường, phòng game, massage, rạp chiếu phim… có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19.
Đối với các cơ sở ăn uống, chợ đêm, phố đi bộ phải áp dụng triệt để giải pháp 5K của Bộ Y tế. Trường hợp các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống cố tình vi phạm, yêu cầu chính quyền địa phương xử phạt nghiêm và rút giấy phép kinh doanh, mua bán.
Công văn cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết như: Lễ hội, sự kiện văn hóa địa phương, lễ hội tôn giáo, dân tộc… giao cấp ủy, chính quyền căn cứ tình hình thực tế địa phương xem xét, quyết định; trường hợp cho phép tổ chức, tự chịu trách nhiệm và phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.
UBND tỉnh An Giang giao Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các lực lượng có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo lực lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh; tổ chức chốt chặn 24/24, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, đường thủy; ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới.
UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục có công văn "hỏa tốc" chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiếp tục tích cực vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường ở một số tỉnh, nhưng một số nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn xuất hiện sự chủ quan, lơ là, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Vẫn tồn tại việc không đeo khẩu trang nơi công cộng; nơi tập trung đông người; tài xế taxi không đeo khẩu trang khi vận chuyển hành khách, đặc biệt, trên địa bàn TP Cà Mau.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cấp, ngành chức năng thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thực hiện và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm.
Nhiệm vụ quan trọng các cấp, ngành liên quan cần làm là tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm, nhất là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế các hoạt động tập trung đông người khi chưa thật cần thiết; tăng cường hội họp bằng hình thức trực tuyến; khi muốn tổ chức các hoạt động đông người phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền; tăng cường quản lý, bám sát địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Riêng Sở Y tế Cà Mau phải khẩn trương rà soát, bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương. Chuẩn bị kỹ các kịch bản, phương án phòng, chống dịch đáp ứng với từng cấp độ, tình huống nếu có xảy ra.
Tin nổi bật
Tin Video