Thế giới

Các bệnh viện tại Mỹ sa thải nhân viên không tiêm vaccine ngừa Covid-19

Tính đến 6h ngày 29/9, thế giới đã có 233.473.892 ca mắc Covid-19, 4.777.012 trường hợp tử vong. Để tăng cường phòng, chống dịch, các bệnh viện tại Mỹ sa thải nhân viên không tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

29/09/2021 08:48

Châu Mỹ

Các bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ sa thải hoặc đình chỉ công tác những nhân viên y tế không tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 theo quy định được bang New York ban hành hồi tháng trước. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động tại một số bệnh viện, kéo theo đó là nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhiều ca phẫu thuật chỉ định đã phải tạm hoãn.

Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio cho biết, các bệnh viện trong thành phố chưa bị ảnh hưởng nhiều từ diễn biến trên, song ông bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thấp ở nhiều ngành của bang này.

Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul cho biết đang cân nhắc việc tuyển dụng nhân viên y tế từ bang khác tới để bù đắp số lượng nhân viên y tế thiếu hụt. 16% trong tổng số 450.000 nhân viên y tế của bang này vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine.

Các bệnh viện tại Mỹ sa thải nhân viên không tiêm vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với trẻ em.

Trong khi đó, các hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech thông báo đã bắt đầu đệ trình dữ liệu lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Thông tin này được đưa ra một tuần sau khi Pfizer/BioNTech báo cáo những kết quả khả quan từ một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của họ an toàn và tạo ra phản ứng mạnh với những kháng thể trung hòa, qua đó giúp ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào.

Trong thử nghiệm này, trẻ em từ 5-11 tuổi được áp dụng cơ chế tiêm 2 liều 10 microgam, so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Hiện, Pfizer/BioNTech cũng đang thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 với trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi và trẻ em từ 2-5 tuổi. Dữ liệu ban đầu đối với các nhóm này có thể được đưa ra ngay sau quý IV/2021.

Tại Canada, các cơ sở y tế thuộc tỉnh Ontario đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ngay khi các mũi tiêm phòng Covid-19 được cấp phép cho trẻ em.

Tại thủ đô Ottawa, Cơ quan y tế công cộng Ottawa đang phối hợp với các bên nhằm tiêm chủng cho 77.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Bác sĩ Eileen de Villa lưu ý, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng trong độ tuổi từ 4-11 trong 3 tuần gần đây. Xu hướng trên được cho là không quá ngạc nhiên khi số trẻ em sinh sau năm 2009 chưa được tiêm chủng vaccine Covid-19. Bác sĩ Eileen de Villa khuyến cáo các gia đình nên đi tiêm chủng để góp phần bảo vệ trẻ em không nằm trong diện được tiêm vaccine.

Châu Á

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục ở mức hơn 2.000 ca ngày thứ 3 liên tiếp. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.289 ca nhiễm mới, trong đó có 2.270 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc mới mỗi ngày ở Hàn Quốc liên tục ghi nhận mức trên 1.000 ca trong 84 ngày qua dù nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Giới chức y tế cho rằng, số ca bệnh tại nước này tăng vọt là do người dân Hàn Quốc đã đi lại nhiều trong dịp Tết Trung thu vừa qua.

Tại Campuchia, các ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng đang tăng nhanh liên quan đến ổ dịch ở các ngôi chùa tại thủ đô Phnom Penh và mới nhất là Battambang, nơi có tới 43% nhà sư có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, cùng với đó là "điểm nóng" Covid-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 110.792 ca mắc Covid-19, trong đó, 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 người tử vong. Sự lây lan rộng của biến chủng Delta đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear.

Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây là quyết định được nước này đưa ra trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.

Trước đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 trường tiểu học và trung học, nhưng có rất ít thông tin chi tiết được công bố.

Châu Âu

Theo thông tin từ Chính phủ Romania, số ca mắc mới Covid-19 tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng lên 11.049 trường hợp, mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện, Romania chỉ còn 26 giường trống trong khu điều trị tích cực và khó có thể bổ sung vì tình trạng thiếu nhân viên y tế. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền Romania đang xem xét áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Romania là nước có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 thấp thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU). Thống kê cho thấy, chỉ 1/3 số người trưởng thành được tiêm vaccine, khoảng 40% đội ngũ y tế đã tiêm phòng. Chính phủ nước này đang cân nhắc yêu cầu bắt buộc họ phải có chứng nhận "thẻ xanh" về Covid-19 mới có thể tiếp tục công việc.

Tại Italia, Ủy ban khoa học kỹ thuật (CTS), chuyên tư vấn cho chính phủ về các biện pháp phòng, chống Covid-19, đã khuyến nghị tăng số lượng khán giả tham gia các sự kiện văn hóa ngoài trời lên 100% và ở trong nhà lên 80%, trong khi các sân vận động và cơ sở thể thao có thể tăng giới hạn người vào cửa lên 75% ở ngoài trời và 50% ở trong nhà.

Các khuyến nghị của CTS, có thể trở thành hiện thực trong vòng 1 tháng, sẽ được áp dụng riêng cho những người có thẻ xanh, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số về việc đã được tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng, tại các vùng trắng, có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất.

Trong khi đó, tại Pháp, hãng dược Sanofi thông báo, cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA đã ghi nhận kết quả sơ bộ tích cực. Đây là "ứng cử viên" vaccine phòng Covid-19 mà Sanofi cùng Translate Bio của Mỹ hợp tác bào chế và phát triển.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn