Tin tức

Các bên 'dùng dằng', Triều Tiên sẽ công bố vũ khí mới?

(VOVTV) - Trong những ngày cuối tuần qua, bán đảo Triều Tiên nóng trở lại với các vụ bắn thử vật thể mà phía Hàn Quốc cho biết nhiều khả năng là tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này. Vụ phóng được thực hiện vào dịp nhân kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành (ngày 15/4), và trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu khởi động cuộc tập trận mùa Xuân thường niên từ ngày 18/4.

Tác giả Bùi Hùng / VOV Tokyo
18/04/2022 15:59

Phía Triều Tiên thường chỉ trích các cuộc tập trận này là một cuộc tập dượt cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên. Dường như những căng thẳng nối tiếp căng thẳng khiến bán đảo Triều Tiên nóng hơn bao giờ hết. 

Triều Tiên liên tục "phản pháo"

Ngày 17/4, theo thông tin từ Quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn 2 vật thể chưa xác định ra vùng biển phía Đông nước này. Sau đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo đây là một tên lửa dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường hiệu quả của các chiến dịch hạt nhân chiến thuật. Đây được coi là hành động “phản pháo” của Triều Tiên đối với việc tập trận chung giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu từ ngày hôm nay.

Như vậy từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã 12 lần phóng tên lửa, trong đó bao gồm bộ 3 vũ khí là tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình vốn được coi là “uy lực” nhất trong các loại vũ khí. Đây cũng đồng nghĩa với việc trong tình huống khẩn cấp xảy ra, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không sử dụng một loại tên lửa riêng lẻ nào, mà phối hợp các loại tên lửa trên để tạo đòn phản công mạnh nhất có thể. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc trong một phát biểu mới đây cũng nhận định rằng Triều Tiên không ngừng đẩy mạnh phát triển hạt nhân.

Điều này thể hiện một điều rằng Triều Tiên khả năng cao sẽ không ngừng thực hiện các vụ phóng tên lửa, thậm chí thử hạt nhân trong thời gian tới nếu các bên liên quan không có những “đáp ứng” hay động thái xoa dịu khi phản đối hoạt động của Triều Tiên.

Các bên 'dùng dằng', Triều Tiên sẽ công bố vũ khí mới? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Các bên dùng dằng

Cuộc tập trận Hàn-Mỹ dự kiến sẽ diễn ra đến hết ngày 28/4, nhưng diễn ra bằng cách sử dụng máy tính chứ không trực tiếp tại thực địa khi động phải động viên binh lực. Nhưng theo phía Hàn Quốc, Triều Tiên lại cho rằng cuộc tập trận này là diễn tập chiến tranh hạt nhân nhằm vào nước này.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trước đó cũng đã phát ngôn về việc tấn công chính xác vào địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cảnh cáo sẽ đối phó bằng quân sự.

Đáp trả lại, Triều Tiên đã phóng hai vật thể không xác định vào ngày hôm qua, đồng thời từ nhiều ngày trước đó, Triều Tiên dường như đang "tổng huy động" tất cả các kênh tuyên truyền đối nội đối ngoại để lên án đối với sự uy hiếp quân sự của Hàn Quốc trước thềm tập trận chung Hàn-Mỹ và kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 vừa qua.

Có ý kiến từ Hàn Quốc lo ngại rằng Triều Tiên chỉ đang kiếm cớ để khiêu khích tiếp, như phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018 hay cắt đứt đường dây liên lạc liên Triều, thử nghiệm hạt nhân.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc chưa đưa ra khẳng định cụ thể nào và chỉ cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng đối phó với mọi khả năng.

Trong khi đó, tân Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc ông Philip Goldberg gọi Triều Tiên là “chính quyền bất hảo” (rogue regime). Ông Goldberg cho rằng phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) phù hợp với mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân của Washington.

Với những góc độ trên, có thể thấy, quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đang căng thẳng, nhưng ở mức “dùng dằng” không ai chịu ai, nhưng chưa tới mức quá “tức nước vỡ bờ”.

Triều Tiên sẽ công bố vũ khí mới? 

Dư luận chú ý rằng vào đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 2012 và kỷ niệm 105 năm vào năm 2017, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh, công bố nhiều loại vũ khí kiểu mới. Ngược lại, trong lễ kỷ niệm năm nay vào ngày 15/4 vừa qua, Bình Nhưỡng không có động thái tổ chức duyệt binh. Nhưng theo thông tin từ hãng KBS cho biết từ tháng trước, quân đội Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị duyệt binh. Do đó, có thể nước này sẽ duyệt binh vào ngày 25/4, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội.

Và cũng bắt đầu từ ngày 18/4 tới 22/4, Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim thăm Hàn Quốc. Tại đây, ông Sung Kim sẽ thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cam kết hợp tác chặt chẽ với Seoul trong vấn đề theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đến nay vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về biện pháp cụ thể đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong khi đó đã có những hành động cụ thể phái đoàn quan chức thăm Nhật Bản nhằm cải thiện quan hệ, cam kết thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc…Theo tôi, có thể sau Lễ nhậm chức chính thức dự kiến tổ chức vào 10/5 tới, kế hoạch đối với Triều Tiên mới được rõ ràng.

Kết hợp lại, khả năng cao Triều Tiên sẽ công bố loại vũ khí mới vào cuối tháng trong Lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội, và có thể sẽ phóng tên lửa sau khi cuộc tập trận Mỹ-Hàn kết thúc vào ngày 28/4 tới. Và thế giằng co giữa các bên liên quan trong lập trường, quan điểm vẫn kéo dài nếu như không có biện pháp cụ thể để Triều Tiên thấy yên tâm trong các vấn đề như cam kết bãi bỏ cấm vận từng phần, hay đàm phán…

Ý kiến của bạn