Ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục, Hàn Quốc dự kiến tiêm vaccine từ tháng 4/2021
(VOVTV) - Theo Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết, tính đến 0 giờ ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận 39.432 ca nhiễm Covid-19, tăng 686 ca so với số liệu một ngày trước, cao hơn 92 ca so với số liệu một ngày trước (594 ca). 686 ca nhiễm là con số kỷ lục trong 284 ngày qua, kể từ ngày 29/2 (909 ca), thời điểm phát sinh làn sóng lây nhiễm đầu tiên tập trung ở thành phố Daegu.
Trong hai tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày phát sinh trong khoảng hơn 400 ca đến 600 ca. Số ngày phát sinh trên 100 ca nhiễm đã kéo dài liên tục 32 ngày, kể từ ngày 8/11. Xét theo địa phương, Seoul và khu vực lân cận thủ đô phát sinh là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất. Số ca tử vong tăng thêm 4 ca, tổng cộng có 556 ca tử vong, tỷ lệ tử vong trung bình là 1,41%.
Các vụ lây nhiễm vẫn xuất hiện rải rác trong đời sống sinh hoạt của người dân như quán bar, chợ, nhà hàng và các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao như viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi.
Từ ngày 8/12, Hàn Quốc đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội tăng cường mức 2,5 đối với thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Song Chính phủ cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục siết chặt phòng dịch, xem xét nâng giãn cách xã hội lên mức 3 trong trường hợp xu hướng lây nhiễm không suy giảm.
Trong khi đó, dự kiến vaccine ngừa Covid-19 sẽ được nhập vào Hàn Quốc vào khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau. Nhưng sớm nhất phải tới tháng 4, Chính phủ mới triển khai tiêm chủng.
Chính phủ có kế hoạch tiến hành tiêm chủng một cách thận trọng sau khi kiểm chứng đầy đủ về tính an toàn của vaccine. Tình hình dịch bệnh hiện tại ở Hàn Quốc khác với các nước châu Âu và Mỹ, nơi có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất thế giới, không còn cách nào khác để kiểm soát dịch bệnh ngoài vaccine.
Đặc biệt, vaccine mRNA do hãng dược Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển mới lần đầu tiên được thương mại hóa. Ngoài ra, số người được tiêm vaccine trong quá trình thử nghiệm lâm sàng chỉ dừng ở 30.000 người, nên khó có thể khẳng định hoàn toàn về tính an toàn.
Thêm vào đó, vẫn chưa có kết quả lâm sàng trên đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, sức khỏe yếu. Do vậy, Chính phủ sẽ xem xét hiệu quả, tác dụng phụ của vaccine sau khi có ít nhất trên 1 triệu người tiêm tại nước ngoài, để lập kế hoạch tiêm chủng.
Hơn nữa, Hàn Quốc vẫn chưa đảm bảo sẽ nhập được đủ lượng vaccine đã đặt. Đó là bởi vaccine của hai hãng trên có sản lượng ít, nhiều khả năng sẽ hết hàng tại Mỹ và châu Âu trước.
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng ngay khi vaccine được nhập về, Chính phủ phải tiêm sớm cho các đối tượng có rủi ro cao với Covid-19. Bởi hiện tại cơ sở điều trị cho bệnh nhân nặng đang bị thiếu, dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục lây lan trong suốt mùa đông.
Nếu tình hình dịch trong nước trở nên nghiêm trọng hơn thì có thể thời gian tiêm chủng sẽ phải đẩy sớm hơn. Nhưng ít nhất cũng phải tới tháng 4, vì mất ít nhất khoảng 40 ngày để tiến hành các quy trình cấp phép liên quan.
Tin nổi bật
Tin Video