Tin tức

Cá nhân sẽ bị xử lý và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác

Từ ngày 1/1/2022, cá nhân sẽ bị xử lý và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác tại nguồn.

13/12/2021 18:10

Cá nhân không phân loại rác sẽ bị bị từ chối thu gom

Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt của hộ gia đình. Đáng chú ý nhất là người dân thuộc hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị bị từ chối thu gom.

Cá nhân sẽ bị xử lý và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác - Ảnh 1.

Cá nhân sẽ bị xử lý và từ chối thu gom nếu không tự phân loại rác tại nguồn

Theo Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 75 của Luật này, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng (theo khoản 4 Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP).

Người dân được cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quy định, từ 1/1/2022, người dân được cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí. Theo Điều 12, chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật;

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định.

Vậy nên, cơ quan có thẩm quyền phải cảnh báo kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng.

Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới, trách nhiệm chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quy định, việc tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng rác. Khoản 1 Điều 79 của Luật này về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nêu rõ, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo nhiều căn cứ trong đó có dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Dù 1/1/2022 Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực song theo khoản 7 Điều 79 của Luật này, tùy từng địa phương, quy định tính phí rác thải theo kg có thể được áp dụng ở các thời điểm khác nhau, kể từ 1/1/2022 và chậm nhất là 31/12/2024.

Ý kiến của bạn