Ca ghép thận khác nhóm máu thành công đầu tiên tại Việt Nam
(VOVTV) - Bệnh viện Chợ Rẫy vừa thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận không cùng nhóm máu từ người vợ cho chồng, hiện hai vợ chồng đều khỏe mạnh. Đây là trường hợp đầu tiên ghép thận không cùng nhóm máu tại Việt Nam, mở ra cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ghép thận đang khan hiếm.
Người hiến thận là bà Trần Thị H. (51 tuổi), ghép cho chồng là ông Vi Văn B. (54 tuổi), ngụ Bến Tre. Cách đây 2 năm, ông B. cảm thấy sức khỏe mệt mỏi thường xuyên, huyết áp cao nên đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Ông còn có bệnh sử nội soi niệu quản tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM.
Các nỗ lực điều trị không mang lại kết quả, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Bà H. quyết định cho chồng một quả thận của mình, nhưng hai vợ chồng không cùng nhóm máu, trong khi kỹ thuật ghép thận từ người bất tương hợp chưa được thực hiện.
May mắn là lúc này Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong giai đoạn thực hiện đề tài cấp quốc gia về ghép thận bất tương hợp. Sau khi khám sàng lọc và xác định các chỉ số kháng thể, bệnh nhân được các bác sĩ lựa chọn để thực hiện ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên.
Ngày 29/12/2021, vợ chồng bệnh nhân B. đã được thực hiện cuộc mổ lấy và ghép thận. Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, chức năng thận hồi phục nhanh. Sau ngày thứ 2 chức năng thận trở về bình thường. Sau đó bệnh nhân đã được xuất viện. Ngày 21/12, trở lại tái khám, sức khỏe của cả hai vợ chồng bệnh nhân đều bình phục rất tốt. Người chồng sau khi được ghép thận đã ăn uống đi lại bình thường, tự sinh hoạt. Đây là trường hợp ghép thận bất tương hợp nhóm máu được thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam, là đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký với Bộ Y tế.
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để thực hiện cuộc ghép, bệnh viện đã cử các chuyên gia đi học tập ở nước ngoài, nắm vững các kỹ thuật ngăn chặn sự tạo ra kháng thể để chống thải ghép, sử dụng thuốc và loại bỏ kháng thể trong máu bằng phương pháp lọc huyết tương.
“Nếu chúng ta không lọc huyết tương, không lấy kháng thể, để xảy ra việc không tương hợp nhóm máu mà không có sự xử lý trước thì bệnh nhân sẽ bị sốc phản vệ, bệnh nhân sẽ tử vong ngay. Giống như truyền máu mà nhầm nhóm máu, bệnh nhân sẽ sốc phản vệ ngay, ghép thận y như vậy. Thành ra phải chuẩn bị có quá trình xử lý công phu, rất kỹ”, PGS.TS.BS Thái Minh Sâm chia sẻ.
Tin nổi bật
Tin Video