Tin tức

Buồn vui chuyện trả lại giới tính thật cho trẻ

Việc xác định rõ, phẫu thuật “trả lại” giới tính thật giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống.

24/01/2021 15:41

Những bản “sao chép sai lệch” của tạo hóa

Sinh ra với biểu hiện giới tính không rõ ràng, nhiều trẻ nhỏ chịu thiệt thòi với lời trêu trọc “lưỡng tính”, “pê-đê”.

Sau thời gian nằm viện phẫu thuật tìm lại giới tính thật, cháu Thạch Thành Y. (5 tuổi, sống tại một tỉnh ở Tây Nguyên) được khám tâm lý trước khi xuất viện. Đây chính là bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời Y.

Như nhiều đứa trẻ vùng Tây Nguyên, Y. chào đời khỏe mạnh với bộ phận sinh dục giống như nam. Cùng cái tên “sệt nam tính” Thạch Thành Y., em được cắt tóc ngắn và ăn vận như con trai.

Tuy nhiên, thêm vài tuổi, nhận thấy có gì đó bất thường nơi bộ phận sinh dục của con nên mẹ Y. đưa con xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM khám. Sau khi làm các xét nghiệm, gia đình bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán Y. là bé gái mắc bệnh lý tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh.

Chia sẻ về ca bệnh này, TS. BS. Lê Thanh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đưa con đi khám, mẹ Y. than thở rằng, gia đình phải chịu tiếng đồn oan nghiệt nào là “con bé pê-đê”, “lưỡng tính”… Dù ở nhà hay ở lớp, người lớn ai cũng trêu ghẹo làm cháu mắc cỡ và không dám ra đường hay đến trường.

Buồn vui chuyện trả lại giới tính thật cho trẻ - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật trả lại giới tính thật cho trẻ

“Bé Y. có tội tình gì đâu? Đó chỉ là sự “sao chép sai lệch” của tạo hóa mà gia đình và em phải gánh chịu. Sau khi điều trị nội tiết một thời gian, cháu được chuyển qua Khoa Ngoại để phẫu thuật “chuyển giới”, BS. Hùng cho hay.

Trong gần 3 giờ, ê-kíp phẫu thuật phải tỉ mỉ tạo hình lại âm vật cho ngắn, nhỏ, tạo hình lại 2 môi bé, mở tạo hình lại âm đạo ngoài… Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho cháu Y. được xem là tiên tiến nhất hiện nay, giữ và bảo tồn cảm giác âm vật khi bé có đời sống gia đình về sau.

Trước khi chia tay Y. ra viện, BS. Hùng chia sẻ: “Ngày xuất viện của cháu, thấy nỗi vui mừng của người mẹ, lòng tôi cũng vui theo. Vậy là một khởi đầu mới cho cháu bé và gia đình bắt đầu khi Y. được trả về đúng giới tính nữ. Và trong hành trình vào đời, cháu được đi học, hòa nhập với thế giới tuổi thơ cùng bạn bè, bỏ lại sau lưng sự mặc cảm, tự ti…”.

BS. Hùng còn nhớ mãi cậu bé Danh Kiệt (Cần Thơ) đến khám khi đã 12 tuổi. Kiệt sinh ra có lỗ tiểu thấp, không thể tiểu đứng như các bạn nam khác.

Đến trường, Kiệt bị bạn bè trêu chọc đến không dám đi tiểu, phải nhịn, mặc cảm đến mức phải nghỉ học. Kiệt từng chia sẻ với các bác sĩ: “Hồi còn đi học, con học giỏi lắm nhưng bạn bè chọc quá nên không muốn đi học. Nhà nghèo quá không có tiền để đi lên thành phố để phẫu thuật”.

Phải 2 năm sau, với sự kêu gọi tài trợ của các y bác sĩ, Kiệt mới đủ kinh phí được phẫu thuật thuật bộ phận sinh dục nam và vừa xuất viện.

BS. Hùng chia sẻ: “Ngày tiếp nhận, Kiệt có dị tật lỗ tiểu thấp thể lâm sàng rất nặng, bộ phận sinh dục như nữ, lỗ tiểu sát gần lỗ hậu môn. Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật chuyên môn, ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có thể phẫu thuật tất cả các thể lâm sàng nặng nhất của lỗ tiểu thấp. Hôm xuất viện, Kiệt vui và tự tin khi có thể đứng tiểu và hình hài bộ phận sinh dục nam sẽ hoàn thiện”.

Trả lại giới tính thật cho trẻ càng sớm càng tốt

Theo TS. BS. Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), Chủ tịch Hội đồng xác định giới tính, để lựa chọn giới tính cho trẻ sau này, các bác sĩ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải đảm bảo được khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành. Thứ hai, phẫu thuật, tái tạo chỉnh hình phải giống với giới tính của trẻ mà bác sĩ sẽ phẫu thuật. Thứ ba, phù hợp với nguyện vọng của đứa trẻ cũng như gia đình.

Các trường hợp đề nghị xác định giới tính cần có chẩn đoán và can thiệp phẫu thuật nếu cần thiết. Việc đưa ra chẩn đoán bao gồm khám lâm sàng và làm tất cả xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính, siêu âm, CT scan, chụp âm đạo cản quang, sinh thiết các tuyến sinh dục, đánh giá tâm lý trẻ...

Có những trường hợp thời gian khám kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Nhiều trường hợp cần can thiệp nhiều lần để chỉnh sửa bất thường của tạo hóa nên có thể kéo dài hơn. Sau khi có những dữ kiện này, hội đồng xác định giới tính gồm các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, ngoại niệu, tâm lý sẽ bàn bạc kỹ lưỡng và ra quyết định cuối cùng.

Còn theo TS. BS. Lê Thanh Hùng, với những trường hợp mắc bệnh lý bẩm sinh tăng sinh tuyến thượng thận khiến âm vật phì đại như dương vật khiến bé gái mới chào đời bị nhầm tưởng là bé trai, khi can thiệp trễ, trẻ sẽ phát triển hormone nam khiến có hành vi và tâm lý như đàn ông, đặc biệt hình thể mọc râu, giọng ồm ồm.

Đối với những trường hợp này, hội đồng xác định giới tính thường tôn trọng giữ lại giới tính nam cho trẻ sau khi bàn bạc với gia đình. Sau này trẻ có thể có con bằng phương pháp lấy trứng của mình để thụ tinh nhân tạo.

“Việc xác định giới tính nên được tiến hành càng sớm càng tốt để tránh xáo trộn tâm lý và ảnh hưởng chất lượng sống của trẻ. Do vậy, các cha mẹ nếu thấy trẻ có những bất thường về bộ phận sinh dục hay tâm lý… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám”, BS. Hùng khuyến cáo.

Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh là bệnh lý rối loạn tổng hợp hóc môn vỏ thượng thận gây ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh dục ở trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng mơ hồ giới tính. Hiện tượng dư thừa Androgen, hóc môn hướng sinh dục nam làm cho âm vật bé gái phát triển quá mức to như dương vật bé nam…

Ý kiến của bạn