Kinh doanh

Bước vào kỷ nguyên sáng tạo mới cùng AI trong ngày đầu tiên của VSMCamp & CSMOSummit 2023

(VOVTV) - Tiếp nối thành công sau 6 mùa tổ chức, Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit đã trở lại vào hai ngày 24-25/11/2023, tại Trường Đại học Văn Lang (Van Lang University), TP. Hồ Chí Minh, với chủ đề “SmartX – Chiến lược tăng trưởng doanh thu thông minh”.

Tác giả Ánh Tuyết - Phạm Luân
25/11/2023 17:21

Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, gần 60 diễn giả, chuyên gia, các cơ quan truyền thông, báo chí, cùng gần 1000 người tham dự đã hội tụ tại sự kiện thường niên về sales và marketing lớn nhất trong năm.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong 7 mùa tổ chức, sự kiện đã phá bỏ "ranh giới" giữa VSMCamp và CSMOSummit, nhằm mang đến sự đột phá trong nội dung dành cho người tham dự. Với khối lượng nội dung dày đặc và chuyên sâu, ngày đầu tiên của sự kiện đã mang đến cho người tham gia 7 phiên tham luận cùng các phiên thảo luận mở và thảo luận bàn tròn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu khám phá tiềm năng không giới hạn của trí tuệ nhân tạo và sự ảnh hưởng của nó trong chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp.

HÌNH 1 - người tham dự tại sự kiện thường niên về sales và marketing.jpg

Người tham dự tại sự kiện thường niên về sales và marketing

Tham gia các phiên thảo luận là các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, như: ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT; ông Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT; ông Klaus Wehage - Managing Partner, Global Class Company - Tác giả cuốn Global Class; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nafoods Group; Tiến sĩ Clara Fontan - Director of Intelligence & Knowledge of Corporate Excellence - Centre for Reputation Leadership (Spain); ông Pháp Trịnh - Authorized Delivery Partner - Ron Kaufman at Vietnam, Former Retail Channel Manager - Apple South Asia; ông Trần Bằng Việt - CEO Đông A Solutions, Chủ tịch JCI Vietnam 2016; bà Vưu Lệ Quyên - CEO, Biti's; ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia Truyền thông Văn hóa; Đồng sáng lập Elite PR School; ông Bùi Quý Phong - Phó Chủ tịch CSMO Vietnam, Founder DeepB.

Nội dung thảo luận sáng ngày 24/11

Giữ vai trò chủ trì trong buổi sáng ngày đầu tiên, ông Lê Quốc Vinh - Phó Chủ tịch CSMO Vietnam, nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mà các câu chuyện giao lưu giữa chúng ta dần thiếu đi tính con người, trong khi đó AI lại phát triển nhanh chóng trở nên "con người" hơn. Nghịch lý này đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau tìm cách ứng dụng AI, tăng cảm xúc giải quyết các vấn đề trong sales và marketing với nhiều ý tưởng và góc nhìn khác nhau. Mong rằng qua hai ngày sự kiện với chủ đề về chiến lược tăng trưởng doanh thu thông minh, các bạn sẽ lĩnh hội được những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích để áp dụng cho doanh nghiệp của mình".

HÌNH 5 - Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT.jpg

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT trình bày tham luận

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT đã trình bày tham luận đầu tiên với chủ đề "Chiến lược sales & marketing thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy hiệu suất bán hàng". Trong bài tham luận, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT cho rằng, khi công nghệ, nhất là AI càng phát triển thì càng cần bán hàng một cách nhân bản hơn. Trong đó, việc siêu cá thể hóa đến từng khách hàng là yếu tố quyết định, là xu thế bán hàng và marketing trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta thường hài lòng với hiện tại và chỉ nghĩ đến thay đổi khi khó khăn, khủng hoảng. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp lớn đã sụp đổ bởi vì ở đó có những nhà lãnh đạo không dám thay đổi.

Vậy những nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên sáng tạo mới cần phải làm gì? Trả lời cho câu hỏi này, ông Tiến cho biết: "Tiêu chí của người lãnh đạo quan trọng nhất là hiểu về công nghệ, thứ hai là hiểu sâu sắc về con người, và thứ ba phải hiểu được trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì trong tương lai". Công nghệ thay đổi theo năm nhưng AI thay đổi theo ngày, vì vậy mỗi nhà lãnh đạo cần là một coaching cho doanh nghiệp của mình.

Sau khi đã làm rõ về vai trò của trí tuệ nhân tạo đối với doanh nghiệp, sự kiện tiếp tục hướng góc nhìn của người tham dự đến "Tương lai của tiếp thị trong một thế giới được điều khiển bởi AI". Chủ đề được tham luận bởi ông Đào Trung Thành - một trong những chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT hàng đầu Việt Nam. Từ những xu thế về AI được chuyên gia phân tích rành mạch, người tham dự có thể nắm được các bước triển khai công nghệ cho doanh nghiệp theo 5 giai đoạn: (1) Xuất hiện công nghệ, (2) Đỉnh kỳ vọng bị thổi phồng, (2) Đáy của ảo tưởng, (3) Đường dốc khai sáng, (4) Bình nguyên năng suất. Ông cũng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp thất bại khi áp dụng công nghệ ở Việt Nam như: chọn lựa công nghệ không phù hợp, thiếu chiến lược rõ ràng trong việc áp dụng công nghệ, thiếu đào tạo và sự chấp nhận từ nhân viên.

Trình bày về một khái niệm còn khá mới mẻ - "Tư duy Moonshot và thương hiệu tiên phong" ông Nguyễn Đức Sơn - CEO Founder of Interloka Brand Agency, Chairman, Founder of Plato Academy cho biết, thuật ngữ moonshot thinking (tư duy vượt giới hạn) là cách nói ẩn dụ về tư duy vượt thời gian, tầm nhìn vượt thời gian và ý chí tiên phong mạnh mẽ làm những điều tưởng như không thể. Ngày nay, khái niệm moonshot thinking được sử dụng để mô tả về suy nghĩ khác biệt và dám dấn thân cho những ý tưởng tiên phong. Đây cũng là cụm từ khá nổi tiếng trên thế giới từ năm 1961, khi cựu tổng thống Mỹ - John F. Kennedy muốn đặt dấu chân đầu tiên lên mặt trăng. Song, để áp dụng lối tư duy này giúp doanh nghiệp từng bước thay đổi, đạt được vị trí tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực, sản phẩm nào, nhà lãnh đạo cần nắm được 3 yếu tố, đó là: (1) Đổi mới giá trị để tạo thị trường mới, (2) Chiến lược thương hiệu lấy văn hoá làm trung tâm và (3) Tư duy vượt thời gian và khát vọng lãnh đạo. Trong đó, khát vọng lãnh đạo là điểm khởi đầu của một chiến lược sinh ra để chiến thắng.

Đổi mới và cạnh tranh thông minh nhưng không phá vỡ cái cũ, mà áp dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo nhằm đón đầu và đi trước đối thủ thì phải nói đến chiến lược "Sáng tạo không huỷ diệt". "Đây là một phương pháp cực kỳ hay, áp dụng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, giúp họ có thể tạo ra vị thế riêng cho mình nhưng không phá vỡ cấu trúc chi phí của ngành. Lúc này, tư duy đổi mới, sáng tạo sản phẩm mới sẽ hướng tới tệp khách hàng mới và tạo ra một thị trường mới", ông Sơn khẳng định.

Khép lại buổi sáng đầu tiên trong chuỗi sự kiện, Ban tổ chức đã đưa người tham dự đến với một cuộc "thăm dò" thú vị "Có nên tăng tốc ứng dụng AI vào chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp hay không?" được điều phối bởi ông Lê Quốc Vinh - Phó Chủ tịch CSMO Vietnam, Chủ tịch Le Bros. Đồng hành trong phiên thảo luận mở này là các chuyên gia đầu ngành và diễn giả đến từ khối doanh nghiệp: ông Lê Trí Thông - CEO, PNJ; ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT; ông Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT; và ông Nguyễn Đức Sơn - CEO Founder of Interloka Brand Agency, Chairman Founder of Plato Academy. Thay vì lo sợ công nghệ AI, các "ông lớn" cho rằng cần mạnh dạn thăm dò và ứng dụng công nghệ mới để có những sự chọn lọc phù hợp.

Nội dung thảo luận chiều ngày 24/11

HÌNH 4 - ông Klaus Wehage - Managing Partner, Global Class Company.jpg

Ông Klaus Wehage - Managing Partner, Global Class Company

Tiếp nối chương trình, tại phiên tham luận chiều 24/11 với chủ đề "Tư duy tăng trưởng toàn cầu", bức tranh về con đường dẫn một doanh nghiệp bứt phá trên thị trường quốc tế đã được ông Klaus Wehage - Managing Partner, Global Class Company, làm rõ: "Trước khi cuốn sách Global Class ra đời, tôi đã làm việc với hơn 2000 nhà sáng lập, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và phỏng vấn giám đốc của 400 công ty lớn trên thế giới để xác định mô thức thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Để thành công trong xây dựng công ty toàn cầu thì không nên tập trung vào doanh số hoặc doanh thu mà là chuẩn bị cho mình con đường để tăng trưởng". Thay vì nghĩ về những vấn đề giới hạn tư duy mở, ông Klaus cho rằng hãy nghĩ doanh nghiệp của mình là công ty toàn cầu và đối thủ cạnh tranh là toàn cầu để chuẩn bị những tài nguyên tốt nhất cho chiến lược cạnh tranh. Đồng thời, bộ máy nhân sự bên trong mỗi công ty cũng cần có văn hoá tư duy linh hoạt, cho phép mọi người thích nghi với bất kỳ mô hình kinh doanh mới nào khi doanh nghiệp tiến vào thị trường mới.

Nếu chọn ra một trong những hoạt động nổi bật tại VSMCamp & CSMOSummit 2023 với các phần tranh luận và chia sẻ kiến thức thú vị, chắc chắn người tham dự không thể bỏ qua phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề: "Chiến lược đột phá với tư duy bền vững". Hội nghị có sự góp mặt của 4 diễn giả, chuyên gia: ông Trần Bằng Việt - CEO Đông A Solutions, Chủ tịch JCI Vietnam 2016; bà Vưu Lệ Quyên - CEO, Biti's; ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia Truyền thông Văn hóa, Đồng sáng lập Elite PR School; và ông Klaus Wehage - Managing Partner and Author of Global Class. Từ các ví dụ lớn được phân tích, các chuyên gia đã đưa ra nhận định, một chiến lược đột phá thường phải bắt đầu từ tầm nhìn sứ mệnh khao khát, sau đó đi tìm công nghệ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung vào nhân lực bên trong, từ dàn lãnh đạo, quản lý trực tiếp cho đến nhân viên, tất cả nuôi dưỡng một niềm tin chung: hướng tới con đường cải tiến, sáng tạo và sẵn sàng đối đầu với khó khăn.

Không chỉ là sự kiện có tính chuyên môn cao, VSMCamp & CSMOSummit 2023 còn là sân chơi bổ ích dành cho những người hoạt động trong ngành sales và marketing tại Việt Nam. Ban Tổ chức đã đưa vào lịch trình các hoạt động giao lưu, đặc biệt là chương trình dạ tiệc kết nối đã mang đến không khí gắn kết cho đại hội. Đây là hoạt động điểm nhấn của chuỗi sự kiện, tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi giữa những người làm nghề với các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và thế giới.

HÌNH 3 - PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang.jpg

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang

Trong thời đại AI đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực ngành nghề của cuộc sống, Trường Đại học Văn Lang - đối tác chiến lược của VSMCamp & CSMOSummit 2023 - luôn cố gắng lồng ghép các chủ đề về trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo sinh viên. Sự kiện cũng là cơ hội để các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên trong trường nắm bắt xu hướng 5.0, tiếp cận những kiến thức thực tiễn trước khi bước vào thị trường lao động. Phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: "Chủ đề của sự kiện năm nay đã truyền cảm hứng cho chúng tôi và toàn thể sinh viên nhà trường. Đại hội năm nay đặc biệt ý nghĩa khi chúng ta kết nối những cộng đồng khác nhau, với những bài học khác nhau, và rồi học hỏi nhau từ những gì tinh túy, xuất sắc nhất. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức vì đã lựa chọn Trường Đại học Văn Lang là địa điểm tổ chức VSMCamp & CSMOSummit mùa thứ 7. Hơn 350 sinh viên và 100 giảng viên của trường đã có mặt tham dự đại hội ngày hôm nay để kết nối với các chuyên gia diễn giả hàng đầu và tiếp thu những bài học không thể tìm thấy trong sách vở".

Ngày mai, 25/11, chuỗi sự kiện sẽ tiếp tục mang đến 10 phiên thảo luận song song cùng các bài tham luận mang tầm chiến lược với nội dung tiếp tục xoay quanh chủ đề lớn "SmartX – Chiến lược tăng trưởng doanh thu thông minh". Đây là cơ hội để người tham dự có thể tiếp cận và ứng dụng các giải pháp thông minh mới, như AI, mô hình ngôn ngữ lớn, các chiến lược đòn bẩy cảm xúc, đan xen cùng các bài học và phương pháp thực chiến hiệu quả. Có thể điểm qua một số phiên thảo luận nổi bật bao gồm: Agility: Tăng tốc thích ứng cùng với AI; AI Workshop: Ứng dụng ChatGPT và AI trong xây dựng nội dung; Tận dụng AI để đưa hoạt động tiếp thị B2B lên một tầm cao mới; "Physital Branch" - Khi chuỗi chi nhánh trở nên thông minh bằng sức mạnh của AI; Quản trị doanh nghiệp thông minh trong chiến lược Agile - thích ứng linh hoạt; Word of mouth trong marketing kỷ nguyên số…

Hiện nay, các giải pháp và công cụ thông minh đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp hay cá nhân trong ngành Sales và Marketing. VSMCamp và CSMOSummit 2023 được tổ chức nhằm mục tiêu đồng hành cùng những người hoạt động trong lĩnh vực sales, marketing và truyền thông cũng như các chủ doanh nghiệp tự tin đón đầu xu thế AI cũng như ứng dụng chúng trong các chiến lược tăng trưởng doanh thu. Người tham gia sẽ được tiếp cận lượng kiến thức lớn, các bài học thực chiến và phương pháp thực tiễn trong hai ngày hội nghị. Với chủ đề này, ban tổ chức kỳ vọng sẽ đem lại giá trị to lớn đối với toàn ngành sales và marketing.

Qua bảy lần triển khai, Ban Tổ chức đã chứng kiến nhu cầu được giao lưu, kết nối để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của những người hoạt động trong ngành là rất lớn. Có thể nói, VSMCamp và CSMOSummit đã trở thành sân chơi uy tín và chất lượng của giới sales, marketing và truyền thông tại Việt Nam, là nơi đón đầu những xu hướng mới nhất, nóng nhất, tạo điều kiện cho những người làm nghề có thể kết nối với các chuyên gia hàng đầu dày dặn kinh nghiệm, qua đó kịp thời nắm bắt được những bí quyết "làm chủ" cuộc chơi sales và marketing đầy thách thức và cơ hội.

VSMCamp và CSMOSummit là sự kiện chuyên ngành về sales và marketing, quảng cáo và truyền thông thường niên uy tín và được mong chờ nhất năm do CLB các Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam cùng Công ty Le Bros tổ chức. Sự kiện là nơi kết nối những người trong ngành, nâng cao năng lực chuyên môn và cập nhật những xu thế chung của thế giới.

Ý kiến của bạn