Bước đi mới của Nga ở Donbass: Nước cờ cao tay của Tổng thống Putin?
VOV.VN - Khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine hiện đang trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Khu vực này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới, khi ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố ký sắc lệnh công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ là Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng. Bên cạnh đó, ông Putin cũng ký sắc lệnh về việc điều lực lượng vũ trang Nga đến 2 khu vực này để “gìn giữ hòa bình”, khiến phương Tây ngày càng lo ngại nguy cơ sắp xảy ra một cuộc chiến tranh lớn. Mỹ và phương Tây đã lên án động thái này của Nga, cáo buộc Moscow vi phạm luật pháp quốc tế, công bố một số biện pháp trừng phạt, tổ chức các cuộc họp khẩn
Nằm ở biên giới của Ukraine giáp với Nga, trên bờ phía bắc của Biển Đen, Donetsk và Lugansk (gọi chung là vùng Donbass) là nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu người. Trước chiến tranh, nơi đây được biết đến như đầu tàu công nghiệp của Ukraine, với năng lực khai thác và sản xuất thép, có trữ lượng than lớn, chiếm 16% GDP của đất nước.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra và sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014, khu vực này đã chia thành các vùng lãnh thổ riêng biệt, do nhiều bên khác nhau kiểm soát. Các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donbass được gọi là Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR). Theo ước tính, phe ly khai đang nắm giữ khoảng 1/3 diện tích vùng Donbass gần 17.000 km2 dọc biên giới với Nga. Chính quyền Kiev khẳng định hai khu vực trên thực tế là do Nga chiếm đóng và từ chối đối thoại trực tiếp với hai nước cộng hòa ly khai tự xưng.
Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc can dự vào cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, nhưng vẫn đảm bảo tầm ảnh hưởng của nước này bằng cách cấp hơn 720.000 hộ chiếu Nga cho người dân ở đây, cũng như hỗ trợ kinh tế và tài chính cho các vùng lãnh thổ ly khai.
Cả hai khu vực ly khai từng tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân để tuyên bố độc lập và nỗ lực trở thành một phần của Nga. Nhưng Moscow không chấp nhận đề nghị đó.
Năm 2015, Nga và Ukraine đã nhất trí về Thỏa thuận hòa bình Minsk, do Pháp và Đức làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai ở Donbass.
Theo Thỏa thuận, hai bên phải ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến sự từ 25 đến 70km tạo ra một vùng đệm rộng lớn. Các cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk sẽ được giám sát bởi các nhân viên của OSCE. Ukraine sẽ trao quy chế đặc biệt và quyền tự quyết cho 2 khu vực nói trên, bao gồm việc họ có quyền được thành lập lực lượng an ninh riêng của mình, để đổi lấy việc giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga.
Thỏa thuận Minsk tìm cách tạo ra một con đường hướng tới hòa bình, trong đó có việc gia tăng quyền tự trị cho khu vực bị dính vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, Kiev cho rằng Thỏa thuận nguy hiểm đối với tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo RT. Bất chấp việc các bên đã ký kết thỏa thuận, tình hình vẫn leo thang căng thẳng và các vụ đụng độ thường xuyên tiếp diễn. Xung đột đã rút cạn các nguồn lực của Ukraine, cản trở mục tiêu gia nhập NATO của quốc gia này.
Giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phe ly khai vẫn tiếp diễn kể từ năm 2014, cướp đi sinh mạng của 14.000 người. Bạo lực, chia rẽ và suy thoái kinh tế đã gây thiệt hại nghiêm trong cho khu vực, khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đây là lần đầu tiên, Nga chính thức công nhận độc lập cho các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk tại Ukraine. Điều này có thể mở đường cho Moscow công khai điều các lực lượng quân sự vào hai khu vực ly khai, với lập luận rằng họ đang bảo vệ đồng minh chống lại các mối đe dọa.
Lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Putin ngày 21/2, nhiều người có thể nghĩ rằng, ông sắp công bố điều mà Mỹ cho là có thể xảy ra bất cứ lúc nào: Một cuộc tấn công vào nước láng giềng với hơn 130.000 binh sỹ Nga ở xung quanh biên giới Ukraine. Nhưng không, ông Putin đã gây bất ngờ với việc ký sắc lệnh công nhận độc lập cho Donbass.
Truyền thông phương Tây dự đoán, quyết định này có thể chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới một chiến dịch quân sự lớn nhằm hạ bệ chính quyền Kiev. Song nhiều nhà quan sát nhận định, nếu một cuộc xung đột lớn sắp nổ ra, thì có lẽ không phải là thời điểm này.
Tổng thống Putin nhiều khả năng xem đây là quyết định giúp ông giành chiến thắng về mặt ngoại giao, trong khi tránh được hai thái cực: một cuộc giao tranh quy mô lớn khiến nhiều người đổ máu và việc bị cho là yếu thế trước sức ép của Mỹ cùng phương Tây.
Phát biểu của Tổng thống Putin còn nhằm mục đích trấn an những lo ngại trong nước. Ông Putin hiểu rằng, với hầu hết người Nga, vốn đang phải vật lộn với khó khăn vì đại dịch Covid-19 và thách thức kinh tế, sự công nhận độc lập cho vùng ly khai của Ukraine mang lại cho họ cảm giác nhẹ nhõm hơn nhiều so với việc tuyên bố một cuộc chiến lớn với nước láng giềng, có thể gây ra những hậu quả kinh hoàng mà ai cũng có thể dự đoán được.
Một cuộc tấn công toàn diện chắc chắn sẽ làm gia tăng sự đoàn kết ở phương Tây, củng cố quyết tâm của Mỹ và EU trong việc tạo ra một mặt trận chung đối phó Nga. Nhưng với quyết định công nhận độc lập cho vùng ly khai tại Ukraine, ông Putin đã khiến phương Tây bối rối trong việc tìm kiếm phản ứng đáp trả và áp đặt trừng phạt, bởi Nga khai không tìm cách xâm nhập lãnh thổ do quân chính phủ nắm giữ tại Donbass và cũng không thực hiện bất cứ hành động quân sự nào đối với các lực lượng Ukraine.
Dưới con mắt của Điện Kremlin, sắc lệnh mới được coi là sự công nhận chính thức sự chia cắt của lãnh thổ Ukraine – điều mà chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky luôn bác bỏ bấy lâu này. Và quyết định này có thể khiến ông Zelensky rơi vào tình huống bất lợi. Ông Zelensky chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2019 với cam kết chấm dứt chiến tranh ở Donbass, nhưng đến nay, lời hứa này vẫn chưa thể thực hiện được.
Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao của tổ chức RAND Coporation cho rằng: “Điều rút từ bài phát biểu của ông Putin là Nga đã có lý do chính đáng để phản ứng lại các “cuộc tấn công” nhằm vào phe ly khai mà không cần phải che giấu sự can dự trực tiếp của mình. Từ trước đến nay, Nga không có cái cớ hợp lý biện minh cho sự can thiệp của mình, nhưng giờ họ đã có”.
Tin nổi bật
Tin Video