‘Bom nợ’ bất động sản Evergrande thách thức chính sách của Trung Quốc
Chính sách cứng rắn với ngành bất động sản Trung Quốc gặp thách thức khi một trong những nhà phát triển lớn nhất nước này có nguy cơ vỡ nợ.
Các nhà chức trách Trung Quốc, sau thời gian thuê cố vấn xem xét trường hợp của "trùm nợ" Evergrande, không đưa ra lời đảm bảo công khai nào về việc nhà nước có kế hoạch để giải quyết khủng hoảng. Trong khi đó, các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa trước những chỉ số “gây hoang mang” của thị trường.
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande hiện có khoảng 300 tỷ USD nợ phải trả, nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển bất động sản nào khác trên thế giới.
"Kình ngư" mắc cạn
Liệu chính sách cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với ngành bất động sản nước này có thể đi xa đến đâu? Câu hỏi đột nhiên trở nên cấp bách trên các sàn giao dịch thời gian gần đây. Vài tháng qua, các nhà đầu tư tưởng như khủng hoảng nợ của Evergrande đã có thể được kiểm soát, nhưng giờ họ phải tính toán lại rủi ro biến cố sẽ khiến giới tài chính chao đảo.
Làn sóng bán tháo lan tràn mạnh trên thị trường chứng khoán thế giới hôm 20/9. Chỉ số Hang Seng Hong Kong giảm hơn 3% do các công ty bất động sản. Các chỉ số chứng khoán ở Đức và Italy mất hơn 2%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 1,7%, nhiều nhất trong 4 tháng.
Các bài bình luận của truyền thông nhà nước Trung Quốc hầu như đều né tránh chủ đề này, ngoại trừ một tờ báo cho rằng Evergrande chỉ là “trường hợp cá biệt” và chỉ trích truyền thông phương Tây đang tấn công kinh tế Trung Quốc.
Evergrande là một "kình ngư" trong thị trường trái phiếu USD lợi suất cao của Trung Quốc, nắm khoảng 16% số trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, khoảng 83,5 triệu USD tiền lãi của một số trái phiếu có thời hạn 5 năm sẽ đến hạn vào 23/9, và việc không thanh toán trong vòng 30 ngày có thể khiến công ty vỡ nợ. Ngoài ra, cùng ngày, Evergrande cũng cần thanh toán khoản nợ 232 triệu nhân dân tệ (36 triệu USD) cho một trái phiếu trong nước.
Với hơn 200 công ty con ở nước ngoài và gần 2.000 công ty con trong nước, Evergrande có tài sản khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ - tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc. Lùm xùm với Evergrande sẽ khiến thị trường nhà ở Trung Quốc rắc rối lớn khi bất động sản chiếm 40% tài sản các hộ gia đình.
Dữ liệu tuần trước cho thấy doanh số bán nhà tại Trung Quốc tính theo giá trị đã giảm 20% trong tháng 8 so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ sau khi dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020.
Nhà đầu tư cần tín hiệu
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận chịu thiệt hại trên một số lĩnh vực để đạt được mục đích về “sự thịnh vượng chung”, các chuyên gia cũng nghĩ đến viễn cảnh duy trì chính sách thắt chặt thị trường trong khi rủi ro trở nên trầm trọng có thể làm phát sinh cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống.
Các nhà phân tích Goldman Sachs kêu gọi giới chức trách Trung Quốc gửi một “thông điệp rõ ràng hơn” về kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của khủng hoảng Evergrande. Citigroup cho rằng các quan chức có thể phạm phải “lỗi thắt chặt chính sách quá mức”.
Ding Shuang, nhà kinh tế Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered nói: “Mặc dù hầu hết mọi người không nghĩ Evergrande sẽ sụp đổ đột ngột, nhưng việc nhà chính sách im lặng và hành động hời hợt đang khiến họ hoảng sợ. Tôi hy vọng Trung Quốc ít nhất sẽ sớm hỗ trợ bằng lời nói để ổn định tâm lý thị trường".
Hiện không có bằng chứng nào về việc các quỹ nhà nước Trung Quốc tham gia vào thị trường chứng khoán trong nước. Phản ứng cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ngân hàng trung ương bơm 90 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng hôm 17/9 và bổ sung thêm 100 tỷ nhân dân tệ vào 18/9.
Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc dường như vẫn quyết tâm thúc đẩy chiến dịch hạ nhiệt thị trường.
Ông Guo Shuqing, Chủ tịch cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc, xác định việc các ngân hàng liên quan quá nhiều tới thị trường bất động sản là rủi ro lớn nhất mà hệ thống tài chính phải đối mặt. Nhưng họ sẽ phải cố gắng cân bằng giữa các biện pháp cứng rắn và nguy cơ khiến thị trường chịu thiệt hại.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã và đang tăng cường nỗ lực để điều chỉnh giá đất và giá nhà. Nước này thắt chặt việc phê duyệt thế chấp và tăng lãi suất cho những người mua nhà lần đầu, áp dụng các biện pháp kiểm soát cho thuê ở các thành phố và dừng hoạt động bán đất tập trung.
Các ngân hàng Trung Quốc giảm cho người mua nhà vay và các quan chức hồi tháng 5 tiếp tục đưa ra ý tưởng về thuế bất động sản quốc gia. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc soạn thảo “ba lằn ranh đỏ” - chỉ số nợ mà các nhà phát triển bất động sản sẽ phải đáp ứng nếu họ muốn vay thêm.
Tin nổi bật
Tin Video