Bộ Y tế yêu cầu rà soát các đối tượng tiêm vaccine COVID-19 theo đúng quy định
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký liên tiếp 2 công văn công văn hoả tốc gửi UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine COVID-19 và tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn hoả tốc số 5868 /BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine COVID-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022, trong thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ nhiểu loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna cho các địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai tiêm chủng.
Để tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vaccine được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.
Đôn đốc các cơ sở tiêm chủng xây dựng kế hoạch, tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay các loại vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ. Thực hiện tư vấn cho người được tiêm chủng lợi ích, tác dụng của các loại vaccine và thực hiện tiêm sớm, đúng lịch, không để xảy ra tình trạng lựa chọn hoặc chờ đợi để được tiêm loại vaccine khác.
Đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng bao gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký tiêm, thực hiện sàng lọc, tổ chức tiêm chủng... và báo cáo theo quy định. Yêu cầu sử dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi đối tượng tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
Trước đó, ngày 20/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã gửi văn bản hoả tốc đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chi đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên cấp vaccine cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, tổ chức tiêm chủng chống dịch. Để đẩy nhanh việc thực hiện tiêm chủng trong mọi tình huống chống dịch của các địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp, ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tể; tổ chức tiêm ưu tiên cho lực lượng tuyển đầu, người có bệnh lý nền, người cao tuổi. Chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tế.
Tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cố định và bố trí nhiều điểm tiêm lưu động tại các khu vực đông dân cư, nhà máy, khu công nghiệp... đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng; lập kế hoạch buổi tiêm chủng phù hợp, thông báo cho các đối tượng đến tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người, phân luồng và hướng dẫn cho các đối tượng tiêm chủng; tổ chức khám sàng lọc trước tiêm để tránh tập trung đông người.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố để triển khai các hoạt động tiêm chủng các vaccine khác tại địa phương đảm bảo phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, đề nghị các địa phương sử dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý và theo dõi tiêm chủng.
Các địa phương cũng cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự cần thiết của tiêm chủng trong giai đoạn hiện nay để người dân tham gia tiêm chủng đẩy đủ.
Theo Bộ Y tế, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
Tin nổi bật
Tin Video