Bộ Y tế xử phạt Dược phẩm Hoàng Hường và 4 công ty với số tiền 300 triệu đồng
(VOVTV) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với Công ty Cổ phần dược phẩm Hoàng Hường và 4 cơ sở khác với tổng số tiền xử phạt là 300 triệu đồng.
Ngày 13/4, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt 5 cơ sở vi phạm trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường. Cụ thể, Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường (địa chỉ: Tầng 6, số 36, Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.
Công ty quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ viên xương khớp Hoàng Hường (quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo "Thực phẩm này không phải thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh").
Trong số 5 cái tên vừa được Bộ Y tế "xướng tên" thì công ty CP dược phẩm Hoàng Hường là công ty có độ "hot" nhất về sự tai tiếng, lùm xùm trong những năm gần đây. Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được, công ty CP dược phẩm Hoàng Hường do bà Hoàng Thị Hường làm giám đốc, đồng thời bà cũng là chủ sở hữu phòng khám Nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile.
Trước đó, phòng khám Nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile (địa chỉ tầng 1 và 2 khu dịch vụ thương mại, lô đất 1A, IV Khu đô thị mới Mỹ Đình 1, Golden Field, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) được bà Hoàng Thị Hường quảng cáo là một phòng khám nha khoa quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình nha khoa quốc tế - khách sạn với việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn 5 sao.
Tuy "nổ" theo chuẩn 5 sao nhưng trong quá trình hoạt động vào ngày 4/12/2019 phòng khám Hoàng Hường bị Sở Y tế Hà Nội ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Lý do là phòng khám Nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile sử dụng nhân sự chưa được Sở Y tế phê duyệt để thực hiện khám, chữa bệnh và thay đổi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế so với thời điểm thẩm định cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
Tháng 8/2021, vận dụng sử nổi tiếng của mình trên các trang mạng xã hội, Hoàng Hường thường xuyên dùng hình ảnh của mình để quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ của mình. Hàng loạt cái tên fanpage như Nha khoa Quốc tế Hoàng Hường, nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường - Thẩm mỹ 24h, Hoàng Hường số 1 nha khoa đep… đều quảng cáo cho nước súc miệng Hoàng Hường Care Medic. Trong quảng cáo sử dụng các từ ngữ "diệt", "đặc trị", "trị", "loại bỏ... : "Chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết", hay có thể "điều trị viêm lợi, hôi miệng tại nhà"... nhằm thổi phồng công dụng sản phẩm. Không những thế, sản phẩm này còn có giá bán gần 600 nghìn đồng/hộp/3 lọ 250ml, cao gấp nhiều lần so với sản phẩm tương tự khác trên thị trường chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/lọ.
Tuy nhiên, thực chất nước súc miệng họng Hoàng Hường không phải thuốc chữa bệnh hay đặc trị bệnh lý về răng miệng như đơn vị phân phối quảng cáo; mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm nhiễm khuẩn ở họng/miệng như: viêm họng, viêm lợi, viêm miệng, loét miệng tái phát, viêm nhiễm nấm miệng Candida do răng giả, phẫu thuật răng miệng...
Trước tình trạng loạn thần y, thần dược thì Hoàng Hường lại liên tục quảng bá rầm rộ, cũng như nổ về công dụng, PR quá mức cho các dịch vụ, sản phẩm nhưng đây là lần đầu tiên các sản phẩm về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Hoàng Hường bị Bộ Y tế "gọi tên" đặc biệt nữ doanh nhân này vừa xuất hiện trên 1 bản tin của VTV có tên "điểm tựa tương lai".
Ngoài công ty CP dược phẩm Hoàng Hường, 4 cái tên còn lại là: công ty TNHH MTV Dược phẩm Y tế Quốc tế MEDISTAR, công ty CP y dược Ngũ Phúc Đường, công ty CP Thiên Dược Sơn, Công ty CP thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc
Cụ thể, công ty TNHH MTV dược phẩm Y tế Quốc tế MEDISTAR (địa chỉ: Thôn Trung Tiến, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội): mức phạt 90 triệu đồng về hành vi vi phạm: Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Công ty này tự công bố sản phẩm viên uống Bổ phổi Lung Detox trong khi sản phẩm này thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Công ty Cổ phần y dược Ngũ Phúc Đường (địa chỉ: Lô NV09, dự án Tổ hợp văn phòng nhà ở cao cấp kết hợp dịch vụ thương mại HBI, số 203 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội): mức phạt 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Lumedi-V, Lumedi-V KIDS, Bảo Lạc Hoàn (Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh).
Công ty Cổ phần Thiên Dược Sơn (địa chỉ: số 7 Ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội): mức phạt 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus (Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh).
Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc (địa chỉ: 09-LK1, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân, số 90 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội): mức phạt 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống tố nữ Mộc Beauty (Quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định).
Tổng số tiền xử phạt với 5 cơ sở này là 300 triệu đồng. Các cơ sở bị xử phạt về quảng cáo phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm; cơ sở vi phạm về tự công bố sản phẩm phải thu hồi sản phẩm và thu hồi Bản tự công bố sản phẩm vi phạm.
Tin nổi bật
Tin Video