Đời sống

Bộ Y tế lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir trong phác đồ điều trị Covid-19

Chiều 7/10, Bộ Y tế tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản lần 7.

08/10/2021 09:03

Theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ban hành ngày 6/10/2021, về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 được cập nhật lần thứ 7, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào phác đồ điều trị, bao gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ.

Bộ Y tế lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir trong phác đồ điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tập huấn trực tuyến vào chiều 7/10

Trong các loại thuốc, theo đánh giá bước đầu, thuốc Molnupiravir giúp giảm tải lượng virus tốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch có thai.

Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Trước khi Molnupiravir được đưa vào phác đồ điều trị phiên bản lần 7, thuốc này đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care), từ cuối tháng 8/2021. Chương trình này vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Bộ Y tế lưu ý khi dùng thuốc Molnupiravir trong phác đồ điều trị Covid-19 - Ảnh 2.

Các điểm cầu tham gia buổi tập huấn trực tuyến vào chiều 7/10

Cụ thể, có hơn 26.000 trường hợp F0 ở thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị tại nhà. Họ được phát 3 túi thuốc (A, B, C), tùy tình trạng bệnh lý. Trong đó, túi thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Túi thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt, bao gồm thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông. Đặc biệt, túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hơn một tháng sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir thí điểm có kiểm soát cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà, đã giúp giảm tải lượng virus hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và tử vong.

Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hệ thống ô xy y tế... cùng với việc đưa một số thuốc vào sử dụng đã giúp giảm số lượng bệnh nhân tử vong một cách ngoạn mục.

"Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện ở thành phố Hồ Chí Minh đã giảm rất nhiều, một phần do kiểm soát y tế tốt, phần khác cũng nhờ một số thuốc hỗ trợ điều trị như thuốc kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng virus Molnupiravir cho F0 nhẹ tại nhà", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Dù tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt, nhưng PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vẫn cho rằng, phía trước vẫn còn nhiều thách thức và điều lạc quan là "con đường các thầy thuốc đã đi thời gian qua là đúng".

Hiện nay, có một lượng lớn người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam trở về các địa phương sau thời gian tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có một tỷ lệ người dương tính. Chính vì vậy, các địa phương vẫn phải rất cảnh giác, nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 7/10, Việt Nam ghi nhận 826.837 ca bệnh Covid-19, trong đó có 758.488 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ gần 92%), 20.223 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 2,4%). Hiện cả nước có hơn 63.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 556 bệnh viện.

Số ca tử vong và ca bệnh nặng, nguy kịch tại thành phố Hồ Chí Minh và trên các tỉnh miền Nam đã giảm rõ rệt trong 1 tháng qua. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu đầu tháng 9-2021, có từ 250-280 ca tử vong/ngày thì tới ngày 6-10, số ca tử vong ở thành phố này giảm xuống còn 88 ca/ngày.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn