Bộ Y tế đề xuất có thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung
(VOVTV) - Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức bảo hiểm y tế, đó là bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế thương mại. Bộ Y tế đề xuất quy định gói bảo hiểm y tế bổ sung là bảo hiểm y tế tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc...
Theo Bộ Y tế, bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật bảo hiểm y tế mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Bảo hiểm y tế thương mại là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như bảo hiểm y tế xã hội.
Bộ Y tế đánh giá, mặc dù có mức phí thường cao hơn so với bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. Tuy nhiên các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần bảo hiểm y tế bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.
Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết và chưa có vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế để kiểm soát, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm sức khỏe trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phi lợi nhuận.
Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế" trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại". Các quy định này cần được thể chế vào pháp luật.
Mặc dù phạm vi quyền lợi của bảo hiểm y tế của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi. Trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng, việc quy định bảo hiểm y tế bổ sung là rất cần thiết.
Theo Bộ Y tế, quy định hình thức bảo hiểm y tế bổ sung liên kết với bảo hiểm y tế thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức thương mại là: "Bảo vệ và cải thiện phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm y tế".
Tại cuộc tọa đàm về chính sách bảo hiểm y tế bổ sung trong Dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức mới đây, nhấn mạnh chính sách bảo hiểm y tế bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết 20, Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, gói bảo hiểm y tế bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.
Dự kiến gói bảo hiểm y tế bổ sung là bảo hiểm tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được bảo hiểm y tế cung cấp.
"Về mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với bảo hiểm y tế bắt buộc", Thạc sĩ Trần Thị Trang thông tin thêm.
Theo đó, doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu.
Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung./.