Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc đề nghị bố trí các điểm xét nghiệm thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa
(VOVTV) - Ngày 19/7, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Công an; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; UBND các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa.
Theo đó, tại văn bản số 5733/BYT-MT, Bộ Y tế cho biết, đã nhận được Công văn số 4045/BCT-TTTN ngày 8/7/2021 của Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu; Công văn số 6895/BGTVT-CYT ngày 15/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị quy định thời hạn hiệu lực của xét nghiệm COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vẫn đảm bảo việc lưu thông hàng hóa; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/7, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19) đề nghị các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg (sau đây gọi tắt là khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16).
Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).
Các cơ quan, đơn vị yêu cầu người điều khiển phương tiện hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phương tiện...
Người điều khiển phương tiện hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (Thông điệp 5K, đặc biệt là khai báo y tế, phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng trang phục phòng chống dịch trong quá trình bốc dỡ hàng hóa nếu cần thiết, sát khuẩn tay thường xuyên, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày...).
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chủ trì phối hợp với các Bộ Công An, Giao thông vận tải, Công Thương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Công an địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và y tế địa phương bố trí các địa điểm dừng nghỉ để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 thuận lợi.
Xét nghiệm miễn phí cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên luồng xanh trên các tuyến giao thông, có mã QR code.
Các đơn vị y tế nhà nước từ cấp xã trở lên hoặc các cơ sở y tế (kể cả tư nhân) được phép thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá.
Tại văn bản hỏa tốc này, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng giao thông, điều phối các điểm dừng nghỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19; có thể bổ sung các điểm khi cần thiết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, tránh tình trạng ùn ứ phương tiện trên các cung đường.
Tin nổi bật
Tin Video