Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: 'Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún'
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, hệ thống quan trắc cho thấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún. Cần Thơ từ 2005 đến 2017 đo được lún khoảng 10cm.
Nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trong phiên làm việc sáng 4/6, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu rõ, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng.
Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua; đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không những sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn sạt lở ở khu vực miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung.
Theo ông, có 4 nguyên nhân gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ nhất là do nền địa chất được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ. So với tất cả đồng bằng của thế giới thì Đồng bằng sông Cửu Long trẻ nhất.
Hiện nay, theo hệ thống quan trắc cho thấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún. Như Cần Thơ từ 2005 đến 2017 đo được lún khoảng 10cm.
Thứ hai, lượng phù sa trước đây về đầy đủ hơn, bây giờ lượng phù sa giảm rất lớn, thiếu hụt sự bồi đắp.
Quá trình phát triển xây dựng đô thị, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản đã tác động tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy.
Một nguyên nhân nữa là việc khai thác cát trái phép, không quản lý được việc đánh giá tác động môi trường. “Tôi cũng được nghe địa phương báo cáo là khai thác lậu dùng vòi để hút vô tội vạ, gần bờ, rất nguy hiểm” – ông nói.
Bên cạnh đó là tốc độ thủy triều vào Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều.
Đề cập giải pháp, ông Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN-MT được giao đánh giá đề án trữ lượng cát, sỏi lòng sông của Đồng bằng sông Cửu Long và biết được những vùng có thể khai thác, trữ lượng khai thác thế nào, còn trước đây chưa nghiên cứu cái này.
Các địa phương đều có quy hoạch, rà soát vùng nào nguy cơ cao, cảnh báo cao phải thực hiện ngay quy hoạch, bố trí lại dân cư. Cùng với đó xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Nhiều khúc sông diện tích xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài, làm thay đổi dòng chảy. Đây cũng là tác nhân rất lớn.
Bên cạnh đó nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo. Hiện nay, Tổng cục khí tượng thủy văn có bản tin thuỷ văn, cảnh báo, dự báo 10 ngày, hàng tháng.
Trao đổi lại, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng công tác dự báo, dự phòng là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, đại biểu rất mong Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tới vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé bổ sung thêm nguyên nhân làm gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam là khai thác nước ngầm tràn lan, do đó, cần có giải pháp quản lý tốt hơn.
Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) phản ánh hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên và nhiều vùng miền trên cả nước là đáng lo lắng và xu hướng diễn biến phức tạp. Bà đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này.
Nhấn mạnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến nước ta, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, chúng ta phải chủ động thích ứng. Để làm được việc đó, trước mắt triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cùng nghị định, thông tư liên quan.
Điều quan trọng nữa là hoàn thành các quy hoạch, trong đó có khu vực sông; điều hoà, điều phối nước hợp lý để chống hạn.
Về công tác dự báo, sẽ ứng dụng công nghệ để nâng cao cảnh báo sớm cho người dân, địa phương, góp phần chuyển đổi kinh tế, mùa vụ.
Ngoài ra, bộ phối hợp với cá địa phương phải xây dựng các kịch bản nguồn nước để ứng phó. Đồng thời tăng cường tích trữ nước.
Tin nổi bật
Tin Video