Bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh từ 1/7/2022
Từ ngày 1/7, mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán có một số thay đổi và thực hiện theo Thông tư 25/2022/TT-BTC.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán; lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo đó, định kỳ chậm nhất là ngày thứ hai hàng tuần, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Tổ chức thu thực hiện nộp 30% số tiền phí thu được và 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của mục lục ngân sách nhà nước.
Thông tư quy định phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch là 830.000 đồng. Đáng chú ý, thay đổi mức phí giám sát hoạt động chứng khoán so với trước đây, cụ thể: Đối với Sở Giao dịch chứng khoán, đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm bằng 0,081% giá trị giao dịch (quy định cũ là 0,009% giá trị giao dịch); đối với trái phiếu doanh nghiệp bằng 0,00315% giá trị giao dịch (quy định cũ là 0,0035% giá trị giao dịch).
Đối với ngân hàng thanh toán, đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm bằng 0,001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 1 triệu đồng/ngày; đối với trái phiếu doanh nghiệp bằng 0,0001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 100.000 đồng/ngày.
Phí lưu ký chứng khoán phái sinh đối với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC): 10% doanh thu từ giá dịch vụ lưu ký từ giá dịch vụ quản lý vị thế /giá dịch vụ bù trừ và quản lý tài sản.
Đối với lệ phí cấp mới giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán mức phí được quy định như sau: môi giới chứng khoán là 20 triệu đồng/giấy phép; tự doanh chứng khoán là 60 triệu đồng/giấy phép; bảo lãnh phát hành chứng khoán là 100 triệu đồng/giấy phép; tư vấn đầu tư chứng khoán là 20 triệu đồng/giấy phép.
Lệ phí cấp lại điều chỉnh, cấp đổi giấy phép; cấp giấy phép thành lập sau khi chia tách, xác nhập, chuyển đổi công ty chứng khoán là 2 triệu đồng/lần cấp.
Đối với quỹ mở, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ mở, công ty quản lý quỹ phải nộp phí quản lý như sau: Trường hợp được cấp giấy chứng nhận từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 hàng năm, mức phí phải nộp là 10 triệu đồng/quỹ; trường hợp được cấp giấy chứng nhận từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 hàng năm, mức phí phải nộp là 5 triệu đồng/quỹ. Các năm tiếp theo, công ty quản lý quỹ phải nộp phí là 10 triệu đồng/quỹ, thời gian nộp từ ngày 1/12 đến ngày 31/12 hàng năm.
Về quản lý và sử dụng phí, tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được, để sử dụng theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, Quyết định số 29/2009/QĐ-TTg ngày 20/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tự chủ về biên chế và kinh phí hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thông tư số 104/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thực hiện Quyết định số 29/2009/QĐ-TTg ngày 20/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chế độ tự chủ về biên chế và kinh phí hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022.
Tin nổi bật
Tin Video