Tin tức

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn

(VOVTV) - Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay của thầy cô ở trường học trên đỉnh Trường Sơn rất đặc biệt. Món quà của các em học sinh tặng thầy cô hết sức giản dị, mộc mạc. Đó là bó hoa rừng hái vội, khúc mía, mớ rau rừng xanh mướt chan chứa sự chân thành mà các em gửi tới thầy cô với tất cả tình cảm yêu thương, biết ơn.

Tác giả Thanh Hiếu / VOV miền Trung
20/11/2021 10:17

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, không khí trong những lớp học ở trường Tiểu học Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khác hẳn với mọi khi. Trên bàn giáo viên, một chiếc bình cắm đầy những nhánh hoa tươi thắm được các em học sinh hái ở bìa rừng vào sáng sớm khi trên đường đến lớp. Cô Trần Thị Mai, giáo viên trường Tiểu học Trường Sơn nắn nót viết dòng tiêu đề tháng 11 lên bảng “Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11”.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 2.

5 em học sinh lớp 4, lớp 5 ở bản Sắt ra ở lại trường để học tập.

Cô Trần Thị Mai tâm sự, những món quà tặng cô ngày 20/11 của các em rất giản dị. Nó là bó hoa rừng, khúc mía, bát gạo nếp nhưng tấm lòng chân thành, quý trọng mà các em gửi tới thầy cô thật lớn lao.

Năm nào cũng vậy, đến ngày 20/11, cô Mai dậy sớm đến trung tâm xã mua ít bánh kẹo rồi về phòng bày ra đĩa đợi các em học sinh đến để liên hoan. Những người “lái đò đưa chữ” nơi đầu nguồn con suối này nhận được tình cảm thân thương của các lứa học trò sống ở những bản nghèo.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 3.

Lớp học mới của các em học sinh tại bản Sắt, xã Trường Sơn.

Cô Trần Thị Mai xúc động cho biết: “Học sinh rất ngoan, biết nghe lời. 20/11 ở miền xuôi học sinh có bố mẹ chuẩn bị quà cho các em đến tặng cô, nhưng ở miền núi này thì không vậy. Nhiều em nói với cô là “Cô ơi em mua hoa tặng cô”, nhưng các cô bảo rằng “Không được, các em lấy tiền ở đâu ra mua hoa tặng cô, thôi ra bìa rừng ngắt cho cô một bó hoa là được”.

Ngày hôm sau các em đi ra bìa rừng mỗi em ngắt mỗi bó hoa về tặng các cô. Ngoài ra còn có quả sung rừng, quả vả rừng, cây mía, cá khe đùm gói nhỏ đưa ra trường tặng cô”.

Sáng sớm, em Hồ Thị Nhiên, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Trường Sơn, nhà ở bản Sắt, xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã nhờ bố mẹ nhổ một khóm sắn ngon ở trên rẫy đem về nhà bóc vỏ, rửa sạch rồi gói lại trong tàu lá chuối mang đến trường tặng cô.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 4.

Các em học sinh lớp 4, lớp 5 xa nhà ra ở nội trú tại trường để học tập

Trên đường đến trường, Nhiên hái thêm một bó hoa ở ven đường còn ướt đẫm sương để tặng cô giáo. Học sinh bản Sắt, xã Trường Sơn có 15 em từ lớp 1 đến lớp 3, khi lên lớp 4 và lớp 5, các em được chuyển ra trường nội trú ngoài trung tâm xã để học. Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, đường sá dễ đi, em Hồ Thị Nhiên xin phép thầy cô về nhà thăm bố mẹ, rồi ra lại trung tâm xã thăm thầy cô ngày 20/11 và ở lại trường học tập. Các học trò ở vùng cao điều kiện sống rất khó khăn nên hầu như ngày 20/11 năm nào các em cũng hái hoa rừng, rau rừng, đùm khoai sắn để tặng cô, thầy.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 5.

Các em học sinh ở lại trường được thầy cô nấu cho từng bữa ăn

Em Hồ Thị Nhiên bộc bạch: “20/11, em đi hái hoa ở gần nhà, ở ven đường tặng cô. Ở trường các cô dạy cho em học, thương chúng em như con, nấu cơm cho chúng em ăn”.

Nhớ lại trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10 năm ngoái, bản Sắt, xã Trường Sơn chìm trong biển nước. Cả 34 hộ dân, hơn 150 nhân khẩu người Bru-Vân Kiều của bản Sắt phải bỏ nhà cửa chạy lên ngọn đồi phía đối diện để tránh lũ, phòng học của các cháu ở bản Sắt cũng bị lũ cuốn trôi. Ngoài những ngôi nhà bạt cho bà con ở tạm tránh lũ, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và dân bản đã dựng tạm một phòng học cho các em. Phòng học được dựng từ những khung sắt và phủ bạt lên để che mưa, che nắng.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 6.

Lớp ghép 3 cấp học ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Hơn 1 năm sau trận lũ lịch sử ấy, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, một phòng học mới khang trang đã được xây dựng lên ở bản Sắt. Cắm bản dạy chữ ở điểm trường tiểu học bản Sắt thuộc Trường Tiểu học Trường Sơn là thầy giáo Nguyễn Xuân Thành. Lớp học của thầy Thành rất đặc biệt khi chiếc bảng viết được chia thành 3 mục, mỗi mục dành cho chương trình của 1 cấp học. Một mình thầy dạy cho 15 em từ lớp 1 đến lớp 3 theo kiểu lớp ghép. Với thầy Nguyễn Xuân Thành, món quà quý giá nhất trong ngày 20/11 năm nay là các em học sinh đã có một mái trường, không còn phải học trong căn nhà bạt tạm bợ bên bìa rừng.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Điều kiện dạy học năm ngoái đến đầu năm nay vẫn còn tạm bợ, do tình hình Covid-19 nên các học trò không được học liên tục. Ngày trước học sinh ở bản này siêng học, nhưng giờ lại không có điện, điện năng lượng mặt trời bị hư hỏng hết nên ban đêm không học được, cha mẹ học sinh không kèm cặp thêm được buổi tối. Từ năm trước đến năm nay học trò ở đây thiệt thòi nhiều”.

Cô Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, năm học này, thầy cô trong trường đã đón 5 em học sinh lớp 4, lớp 5 ở bản Sắt ra ở lại trường để ăn học. Bản Sắt cách trung tâm xã gần 10km, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Lo lắng các em không đảm bảo điều kiện để đến trường thì sẽ nghỉ học giữa chừng, nhà trường đã đón học sinh ra ở trong trường cùng các thầy, cô. Ở đây, các em được thầy, cô chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, kèm cặp việc học tập. Từ khi các em ở lại trường, thầy cô thay phiên nhau vào bếp nấu cơm để thầy và trò cùng ăn.

Bó hoa rừng tặng cô và những câu chuyện xúc động ở lớp học trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 7.

Các em học sinh ở lại trường được thầy cô nấu cho từng bữa ăn

Cô Từ Thị Hà chia sẻ: “Nhà trường cũng huy động các em ra đây để ở, các cô chăm sóc các em như chăm sóc con cái mình. Có các cô dạy học xong thì nấu ăn cho các em ăn. Chế độ ăn của các em được hỗ trợ một ngày 1 bữa trưa, còn bữa ăn tối và ăn sáng thì các cô đi kêu gọi từ thiện để có thêm mì tôm, dầu ăn, nước mắm, gạo để cho các em được ăn đầy đủ ngày 3 bữa”.

Giáo dục nơi vùng núi cao, biên giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, học sinh các bản làng còn nhiều thiệt thòi so với miền xuôi. Món quà lớn nhất với thầy cô cắm bản chính là sự chăm ngoan học giỏi và những tình cảm mộc mạc, chân thành của các học sinh nơi đầu nguồn con suối.

Ý kiến của bạn