'Bố già' ở showbiz Hong Kong
Đỗ Kỳ Phong là người có công với điện ảnh Hong Kong khi giúp đỡ nhiều ngôi sao, đạo diễn trẻ tạo dựng tên tuổi.
Trong bài viết đăng tải trên SCMP, cây bút Douglas Parkes cho rằng từ Lý Tiểu Long đến Thành Long, điện ảnh Hong Kong những năm trước 2000 có tầm ảnh hưởng thế giới. Nhiều biên đạo võ thuật và đạo diễn là nguồn cảm hứng cho điện ảnh Hollywood.
The Matrix sẽ mất hay nếu thiếu phần biên đạo kung fu của Viên Hòa Bình. Quentin Tarantino học hỏi cách làm phim của Lâm Lĩnh Đông, trong khi đó Điệp vụ Boston của Martin Scorsese được xem như bản làm lại của Vô gian đạo…
SCMP cho rằng nhiều năm gần đây điện ảnh đã bỏ quên một thiên tài là Đỗ Kỳ Phong, người vừa bước sang tuổi 66 hôm 22/4. Ông xứng đáng có được thành công ở Hollywood như những đạo diễn cùng thời, nhưng cuối cùng không thể.
Và rồi, sau nhiều năm làm việc trong ngành giải trí, ông dần lui về hậu trường, trở thành người hướng dẫn, nâng đỡ nhiều diễn viên, đạo diễn trẻ. Nói cách khác, Đỗ Kỳ Phong chuyển từ vai trò đạo diễn tài ba sang vị thế bố già của điện ảnh Hong Kong.
Sự miệt mài của đạo diễn tài ba
Theo SCMP, trong những năm đen tối (thậm chí là hai thập niên gần đây) của điện ảnh Hong Kong, nếu có một nhà làm phim không được đánh giá đúng khả năng, đó là Đỗ Kỳ Phong.
Lý giải điều này, cây bút Douglas Parkes của SCMP cho rằng Đỗ Kỳ Phong là đạo diễn, nhà làm phim có công lớn với điện ảnh Hong Kong, kéo dài từ cuối những năm 1990 cho đến hiện tại.
Từ những năm 1997, ông liên tục sản xuất những bộ phim chất lượng cao trong bối cảnh nhiều đạo diễn làm phim theo kiểu mì ăn liền. Ngay cả Hứa An Hoa và Vương Gia vệ cũng hòa mình vào trào lưu sản xuất ồ ạt, chạy theo số lượng, điều đó khiến hai nhà làm phim nổi tiếng tạo ra những tác phẩm có chất lượng không đồng đều.
Đỗ Kỳ Phong đã không làm điều đó.
Sau khi thành lập hãng phim Milkyway Image năm 1996, ông cùng với biên kịch Vi Gia Huy tạo ra những tác phẩm ăn khách.
Trước đó, ông đảm nhận vai trò đạo diễn trong các bộ phim kinh điển như A Lang đích cố sự, Sa than tử dữ chu sư nãi, Đông phương tam hiệp… Đây đều là những bộ phim góp phần làm nên thành công của Ngô Mạnh Đạt, Lương Triều Vỹ, Mai Diễm Phương, Trương Mạn Ngọc…
Tuy nhiên, mặc cho thành công tiếp nối thành công, Đỗ Kỳ Phong không có được tiếng vang quốc tế như những đồng nghiệp cùng thời. Trong khi Ngô Vũ Sâm, Từ Khắc và Lâm Lĩnh Đông dần từng bước chinh phục thị trường quốc tế, nhà làm phim Hong Kong không có cơ hội nổi tiếng ở Hollywood.
Sau khi thành lập Milkyway Image, bộ phim đầu tiên Đỗ Kỳ Phong thực hiện cho hãng là Chân tâm anh hùng (1998). Bộ phim đã góp phần làm nên tên tuổi của Lưu Thanh Vân, Lê Minh, Mông Gia Tuệ và Lương Nghệ Linh. SCMP cho rằng ông đã làm tốt trong việc sản xuất ra bộ phim hành động đẫm máu, thậm chí hơn hẳn Ngô Vũ Sâm.
Năm 1999, Đỗ Kỳ Phong tiếp tục cho ra mắt Giây phút đoạt mệnh. Bộ phim do Lưu Đức Hoa đóng vai chính. Anh đảm nhận tên tội phạm bị ung thư, cùng cảnh sát (Lưu Thanh Vân đóng) chơi trò “mèo vờn chuột” gay cấn.
Cùng năm, Đỗ Kỳ Phong trình làng Sinh Hỏa, bộ phim giúp ông giành giải Đạo diễn xuất sắc của Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong. Tuy nhiên, Đỗ Kỳ Phong đã không gặp thời. Tác phẩm của đạo diễn chỉ bằng doanh thu 15% Vua hài kịch của Châu Tinh Trì phát hành cùng năm.
Kể từ đó, Đỗ Kỳ Phong sản xuất đều đặn các bộ phim, trong đó có nhiều bộ phim đi vào lịch sử những bộ phim Hong Kong hay nhất. Những tựa phim ấn tượng của ông là Xã hội đen, Mật vụ điên, Đoạt mệnh kim…
“Việc một nhà làm phim tạo ra rất nhiều bộ phim hay, phong độ ổn định, mức độ sản xuất đều đặn nhưng không được quốc tế chú ý là điều đáng tiếc”, SCMP bình luận.
Bố già của điện ảnh
Theo Nang Magazine, điện ảnh Hong Kong những năm từ 2009 đến nay ít có tác phẩm nào gây tiếng vang toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có những nhà làm phim duy trì nền điện ảnh nước nhà, Đỗ Kỳ Phong là ví dụ điển hình.
Những năm cuối 1990 - đầu 2000, Đỗ Kỳ Phong có thể sản xuất hai, thậm chí bốn bộ phim mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, ông chỉ thực hiện khoảng một bộ phim. Câu hỏi đặt ra là liệu điện ảnh Hong Kong đã lạc mất Đỗ Kỳ Phong?
“Câu trả lời là không. Cách vận hành của điện ảnh Hong Kong đã thay đổi. Ông đã tận dụng địa vị của mình với tư cách người đi trước để tạo ra một thế hệ mới”, Dan Kratky, Thạc sĩ Nghiên cứu Văn hóa điện ảnh của ĐH Masaryk viết trên Nang Magazine.
Trong suốt sự nghiệp, Milkyway Image không chỉ để ông thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, công ty còn là đòn bẩy giúp nhiều nhà làm phim trẻ thành công. Nhiều cái tên nổi tiếng trong giới làm phim như Vi Gia Huy, Tằng Cẩn Xương, Trịnh Bảo Thụy đều có sự giúp đỡ của Đỗ Kỳ Phong.
Theo chuyên gia nghiên cứu điện ảnh, tham vọng của Đỗ Kỳ Phong là trở thành tên tuổi lớn trong giới điện ảnh. Sau khi khá thành công, ông chuyển từ vai trò nhà sản xuất sang vị thế “bố già điện ảnh”.
Năm 2005, Đỗ Kỳ Phong thành lập cuộc thi Phim ngắn Fresh Wave, hợp tác với Hội đồng Phát triển Nghệ thuật Hong Kong. Đây là sự kiện thường niên, nơi các nhà làm phim nghiệp dư có cơ hội giới thiệu phim và được tài trợ kinh phí để tiếp tục hoạt động.
Frank Hui, Jevons Au và Vicky Wong là những đạo diễn nổi tiếng nhờ cuộc thi do Đỗ Kỳ Phong khởi xướng. Hui là người đầu tiên chiến thắng Fresh Wave với bộ phim Wasted. Sau đó, Wong nhận giải với Merry X'Mas, giải quay phim xuất sắc với The Decisive Moment.
Đỗ Kỳ Phong đã kết nối ba nhà làm phim hợp tác chung trong bộ phim Trivisa. Tác phẩm mất hơn một năm để hoàn thành. Đỗ Kỳ Phong hoàn thành vai trò cố vấn cho các đạo diễn trẻ.
Sự hợp tác này đã tạo nên thành công. Các đạo diễn sau đó có kinh nghiệm, bản lĩnh trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp. Vick Wong sau đó chỉ đạo bộ phim truyền hình Đứa con khác họ, trong khi Jevons Au chứng minh bản lĩnh với dự án điện ảnh Distinction.
Ngay sau đó, nhiều cái tên như Lai Yan Chi, Yuen Chi Him, Jun Li - những người giành giải tại cuộc thi Phim ngắn Fresh Wave - dần trở thành những tên tuổi uy tín trong giới làm phim Hong Kong.
Theo Nang Magazine, Đỗ Kỳ Phong thành công trong vai trò bố già của điện ảnh Hong Kong và truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn trẻ. Dưới bàn tay của đạo diễn kỳ cựu, nhiều nhà làm phim trẻ xuất hiện, những bộ phim ấn tượng lần lượt ra đời.
Khoảng đầu thập niên 2000, Đỗ Kỳ Phong thực hiện song song hai vai trò đạo diễn và tìm kiếm nhân tài mới. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2005, ông chính thức dành nhiều thời gian cho việc hỗ trợ những tên tuổi mới trong giới điện ảnh.
“Trong hành trình của mình ở giới giải trí, Đỗ Kỳ Phong thường xuyên thay đổi vai trò. Tuy nhiên, những năm gần đây ông khẳng định mình là bố già, người đỡ đầu của nền điện ảnh Hong Kong”, Dan Kratky ghi trong bài viết.
Chuyên gia của Đại học Masaryk, Cộng hòa Czech cũng cho rằng bước đi của Đỗ Kỳ Phong không chỉ giúp ông được ngưỡng mộ mà còn củng cố vị thế của một trong những đạo diễn được đánh giá cao nhất ở châu Á.
“Ông chỉ giảm cái tôi của mình lại, dần lùi mình vào hậu trường để tạo nên thế hệ trẻ, vì tương lai của điện ảnh Hong Kong. Đây là cách nghĩ thông suốt của một bố già”, chuyên gia khẳng định.