Tiêu dùng

Bỏ độc quyền vàng miếng, tăng nguồn cung bình ổn thị trường vàng

(VOVTV) - Các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng được đưa ra dồn dập. NHNN thông báo thanh tra việc kinh doanh vàng. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an. Về giải pháp trung và dài hạn, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Tác giả Vũ Đào – Trọng Khánh
06/06/2024 08:09

Ngay khi các phiên đấu thầu vàng miếng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, ngày 3/6, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC được cấp phép đã chính thức thực hiện bán vàng trực tiếp cho người dân với mức giá thấp hơn 2 giá so với giá thị trường. Giá vàng đã giảm mạnh từ ngày 1/6 – trước khi diễn ra phiên bán ra đầu tiên. 

Cho đến sáng ngày 3/6, trước thời điểm các ngân hàng chính thức bán vàng trực tiếp cho người dân, mỗi lượng vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng, niêm yết tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý ở mức chỉ còn từ 79 đến 81 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá thấp nhất cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Giới chuyên gia nhận định, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, bởi thực tế cho thấy từ khi thông tin được công bố trước phiên cho đến khi thực hiện, mức giá không gây “sốc” cho thị trường, do đó sẽ từng bước góp phần ổn định thị trường vàng.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang kiên quyết yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh này. Theo quy định, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì sẽ bị rút giấy phép.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia Kinh tế độc lập cho rằng, đây là một trong những giải pháp để ngăn chặn việc mua bán không có kiểm soát.

Nhằm kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, thì tăng nguồn cung để "hạ nhiệt" giá vàng trong nước vẫn là giải pháp chủ yếu. Và để tăng nguồn cung thì vẫn phải dựa vào nhập khẩu vàng. Song song với đó, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012 của Chính phủ, tập trung vào các nội dung xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia nêu ý kiến: "Chúng tôi vẫn mong muốn là Chính phủ sẽ xem xét để quyết định cho phép một số doanh nghiệp đáp ứng đủ, đầy đủ điều kiện, tiêu chí để nhập khẩu thêm một số lượng vàng nhất định và qua đó để tăng nguồn cung trong Việt Nam.”

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, cần bỏ đi yếu tố độc quyền độc quyền để tạo sự bình đẳng giữa thương hiệu SJC và các thương hiệu khác, như vậy sẽ giảm bớt chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu khác.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng nhất trí với việc phải xóa bỏ độc quyền vàng và cho rằng, Nhà nước phải có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng.

Nhiều biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng được đưa ra liên tiếp thời gian gần đây. NHNN thông báo thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây, từ ngày 1/1/2020 - 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thậm chí một số giải pháp “mạnh tay” hơn cũng đã được đề xuất.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, phải cân nhắc thêm các biện pháp khác, kể cả cân nhắc tăng lãi suất ở một mức độ biên độ nhất định để vừa giảm áp lực về tỷ giá vừa giảm áp lực về tăng giá vàng.

Thị trường vàng ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia. Do đó bên cạnh những giải pháp cấp bách đang được thực hiện, Chính phủ cần xem xét đến những giải pháp căn cơ lâu dài, trong đó có việc điều chỉnh Nghị định 24 để khắc phục những hạn chế về quản lý thị trường vàng hiện nay.

Ý kiến của bạn