Tin tức

Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu

(VOVTV) - Trước thông tin trên mạng xã hội về việc những ngày gần đây có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu nghỉ bán do thiếu nguồn cung, ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cục vụ chức năng và đại diện sở công thương 63 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.

Tác giả Nguyên Long / VOV1
26/08/2022 16:46

Tham dự cuộc họp có đại diện Cục an ninh kinh tế, Bộ Công An và Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung, Bộ Công Thương kiến nghị xử lý thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, cả nguồn cung và giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới đã có biến động tăng trở lại trong những ngày gần đây. Nguyên nhân được lý giải là do một số dự báo về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ gia tăng trong quý 4; cùng với đó là chuẩn bị vào mùa đông ở châu Âu...

Ở trong nước tình hình cung - cầu, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn diễn ra bình thường. Không chỉ đảm bảo đủ nguồn cung mà sau 5 lần điều hành giá xăng dầu giảm liên tiếp thời gian gần đây, giá nhiều loại hàng hoá cũng đã có chiều hướng giảm theo, góp phần tác động tích cực lên hoạt động sản xuất - kinh doanh và thị trường nói chung.

Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu - Ảnh 1.

Khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung, Bộ Công Thương họp khẩn, kiến nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu

Về việc đáp ứng nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm, ông Trần Duy Đông khẳng định hoàn toàn đáp ứng đủ, trong đó 2 nhà máy lọc dầu trong nước đang vận hành tối đa công suất, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu thị trường: "Trước tình hình diễn biến về nguồn cung và giá thế giới cũng như biến động cung cầu trong nước thì ngay từ đầu năm thì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tăng nguồn sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu để đảm bảo luôn đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu cho sản xuất của các doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân. Và thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương thì hai nhà máy lọc dầu trong nước đã báo cáo sản lượng, và sẽ phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong quý 4 thì dự kiến riêng nguồn trong nước 2 nhà máy lọc dầu sẽ là khoảng 4,4 triệu m3, tương đương với khoảng 80% tổng nhu cầu trong nước. Phần còn lại thì chúng tôi cũng giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và thực hiện phân bổ tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo đủ nguồn cho thị trường trong nước".

Báo cáo về tình hình kiểm tra, kiểm soát tại thị trường nội địa, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT khẳng định, hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra bình thường. Trong 2 tuần qua, đã giám sát chặt chẽ hơn 16.700 cây xăng trên cả nước, làm rõ lý do các cửa hàng tạm ngưng, có dấu hiệu dừng bán. Đến tối ngày 25/8 trên địa bàn cả nước chỉ có 4 cây xăng tạm ngưng vì lý do hết xăng, còn 255/16.700 của hàng đang tạm dừng kinh doanh nhưng có đầy đủ lý do, như giấy phép hết hạn đang chờ gia hạn, hay nâng cấp để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh.

Thông tin về tình hình 7 doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép từ 1 đến 2 tháng trong thời gian gần đây, ông Trần Hữu Linh khẳng định không tác động nhiều đến việc đảm bảo nguồn cung cũng như thị trường bán lẻ trong nước: "Trong 7 doanh nghiệp đầu mối này thì đến nay đã trả lại giấy phép cho 4 công ty rồi - do đã hết thời hạn giữ 1,5 tháng, còn lại 3 công ty nữa thì 1 công ty sẽ trả giấy phép vào ngày 29/8. Như vậy sẽ có 2 công ty thì 1 sẽ trả vào ngày 12/9 và một công ty sẽ trả nốt vào ngày 14/9. Do vậy, chúng ta cũng cần phải đánh giá hết sức là rất rõ ràng về việc tác động của việc rút giấy phép, vì tôi được biết là ngay sau khi trả giấy phép 4 công ty thì các công ty này cũng đã nối lại việc cung ứng xăng dầu ngay sau đó…"

Đồng tình với báo cáo của các sở công thương địa phương, ông Bùi Ngọc Bảo Chủ tịch Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam khẳng định không ghi nhận có sự đứt gãy nguồn cung. Trước một số thông tin về khả năng tác động ảnh hưởng tới doanh nghiệp và thị trường thời gian tới, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, khả năng do việc tăng giá từ thị trường thế giới những ngày gần đây đã tác động tới tâm lý của một số cửa hàng, đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được đẩy mạnh hơn, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 2/9 tới đây.

Trước thông tin trên một số diễn đàn mạng xã hội có một số tài khoản cá nhân kêu gọi không bán xăng dầu, Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng An ninh kinh tế, Bộ Công An cho biết: "Đối với tình trạng đưa lên các trang mạng xã hội kêu gọi các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đồng loạt đóng cửa, không bán xăng dầu cho người tiêu dùng, tạo dư luận trong xã hội trong mấy ngày vừa qua cũng như tới đây, thì chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ sớm vào cuộc phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương, phối hợp với các ngành chức năng để tổ chức điều tra, xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng tiếp tục tham mưu, kiến nghị Chính phủ, các vấn đề bất cập trong hoạt động quản lý và kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới, và các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng…"

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định không có chuyện thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước. Trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phương án điều hành giá linh hoạt, trên cơ sở các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn. Đồng thời, bám sát giá thị trường thế giới, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Chính tính toán, kiến nghị việc giảm tiếp các loại thuế, phí để tạo dư địa trong điều hành.

Để tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh thông tin nhiễu loạn, ảnh hưởng tới thị trường và người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Cục, Vụ trong Bộ cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân, doanh nghiệp: "Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành: Tài chính, Ngân hàng và các ngành hữu quan quan tâm xem xét những kiến nghị, đề xuất chính đáng của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và đề xuất của Bộ Công thương trong thời gian vừa qua, đó là nghiên cứu xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam để bảo đảm các doanh nghiệp mà đưa lượng xăng dầu về nước không phải chịu gánh phí quá cao, và đề nghị nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu trong cấu thành giá của mặt hàng xăng dầu, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt…"

Ý kiến của bạn