Bộ Công thương khẳng định: Tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
(VOVTV) - Ngày 4/5/2023 Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1062 quy định vè giá bán điện. Cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 3% so với giá bán hiện hành và tổ chức thông tin tới báo chí về tác tác động tới hộ tiêu thụ điện cũng như thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng tài chính của EVN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực giữ trong 4 năm qua. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện 05 đợt hỗ trợ giảm tiền điện (tổng số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 05 đợt là khoảng 15.234 tỷ đồng) nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế.
Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến Ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi.
Việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng, Bộ Công Thương yêu cầu EVN cần tiếp tục thực hiện định hướng chung của Đảng và Chính phủ đó là tiết kiệm, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% tác động như thế nào tới các hộ tiêu thụ điện sinh hoạt, EVN thông tin:
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt; Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Về các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện và thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Đầu tiên - là nội tại EVN phải thực hiện đấy chính là tiết kiệm chi phí thì năm ngoái tiết kiệm chi phí thường xuyên 10 năm thì năm nay phải tiết kiệm 15%; Chi phí sửa chữa lớn năm ngoái cắt giảm 30 % thì năm nay phải cắt giảm ít nhất 40%. Tất cả các chi phí tiết kiệm là nội lực của EVN cũng phải tiết kiệm.
Giải pháp thứ hai là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì phải tăng cường tiết kiệm điện. Vấn đề thứ ba là EVN phải đàm phán với các nhà cung ứng nhiên liệu như khí và than để mong họ đồng hành chia sẻ về giá để giảm thiểu yếu tố đầu vào; và EVN phải huy động tối đa các nguồn điện có giá rẻ và đồng thời đàm phán các nhà năng lượng tái tạo để đảm bảo họ đồng hành, chia sẻ với EVN.
Còn việc tăng giá điện là một trong các giải pháp của tổng thể để đảm bảo cân bằng tài chính của EVN. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng mà để đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo tác động ít nhất đến người dân và doanh nghiệp thì việc tăng giá điện 3% là mang tính chất tác động tối thiểu.
Tuy nhiên, nó cũng đã góp phần một phần nào cho việc giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN. Mục tiêu cao cả nhất EVN sẽ phải bằng mọi phương án, giải pháp để đảm bảo, dù khó khăn nhưng EVN sẽ phải cung ứng đủ điện cho đất nước, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước. Đó là nhiệm vụ cao cả nhất của EVN".