Tin tức

Bộ Công Thương dự kiến nguồn cung 6,7 triệu m3 xăng dầu trong quý II

Trong quý II, Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu xăng dầu cả nước vào khoảng 5,2 triệu m3 nhưng để đảm bảo chủ động, bộ này dự kiến nguồn cung xăng dầu ở mức 6,7 triệu m3.

04/05/2022 13:47

Bộ Công Thương cho biết, hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng và vẫn đang diễn biến phức tạp. Dự kiến nhu cầu xăng dầu trong nước quý II vào khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3.

Để đảm bảo tốt nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II vào khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3). “Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Quý II và tồn kho gối đầu sang Quý III khoảng 1,5 triệu m3”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương dự kiến nguồn cung 6,7 triệu m3 xăng dầu trong quý II - Ảnh 1.

Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu xăng dầu trong nước quý II vào khoảng 5,2 triệu m3. Ảnh minh họa: KT

Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đang phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, trong các kỳ điều hành giá, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành ngày 21/4/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 36,53% - 60,14% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21/4/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 3.975 - 7.120 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 17,16% - 39,04%.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung, đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định./.

Bộ Công Thương dự kiến nguồn cung 6,7 triệu m3 xăng dầu trong quý II - Ảnh 2.

Bộ Công Thương: Giá xăng dầu tăng nhưng vẫn thấp so với thế giới

VOV.VN - Theo Bộ Công Thương, việc giảm giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào biến động của thị trường thế giới.

Ý kiến của bạn