Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án chuyển A0 về Bộ
(VOVTV) - Bộ Công Thương vừa có Tờ trình 3711/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ này. Theo đó, Bộ đưa ra 2 phương án chuyển đổi mô hình A0.
Bộ Công Thương cho hay, mô hình thị trường điện Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế tại những quốc gia có xây dựng thị trường điện thì vai trò của A0 (gồm điều độ hệ thống điện – System Operator (SO) và điều hành giao dịch thị trường điện Market Operator (MO)) cùng với vai trò sở hữu lưới điện truyền tải của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia — Transmission Owner (TO) là những chức năng có mối quan hệ mật thiết do đây là những dịch vụ cơ bản của hệ thống điện, có tính độc quyền tự nhiên. Do đó, việc kết hợp giữa ba dịch vụ (TO-SO-MO) sẽ quyết định mô hình tổ chức của A0. Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên chuyển nguyên trạng A0 (SO và MO) về Bộ Công Thương.
Việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo A0 từ EVN về Bộ Công Thương có thể thực hiện theo một trong 02 phương án. Thứ nhất, A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương. Phương án 2, A0 trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Cả hai phương án nêu trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng mục tiêu chuyển nguyên trạng A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện là phù hợp. Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi Luật giá và Luật điện luật sửa đổi được ban hành, có thể xem xét thêm phương án 2.
Về tính đặc thù, tính chất đặc thù của đơn vị mới thành lập trực thuộc Bộ Công Thương là công tác vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện. Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, tại đơn vị này có những nhân sự giữ chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện với áp lực công việc rất nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm ngàn thiết bị điện cao áp khác nhau, trong quá trình làm việc phải từ các quyết định thật nhanh, chính xác và không được phép sai sót vì mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng các nhân viên khác. Bộ phận người lao động nói trên được tuyển dụng với yêu cầu cao (có bằng đại học ở mức khá, giỏi trở lên) được đào tạo chuyên sâu (từ 12 đến 18 tháng) và phải qua kiểm tra kỹ lưỡng, khi đạt yêu cầu mới được phép bố trí công việc, gồm các vị trí: Điều độ viên hệ thống điện quốc gia, kỹ sư tính toán hệ thống điện quốc gia, kỹ sư điều hành giao dịch thị trường điện, điều độ viên hệ thống điện miền, kỹ sư tính toán hệ thống điện miền, kỹ sư SCADA v.v...
Hơn nữa, do điện là hàng hóa đặc biệt phải luôn cân bằng giữa sản xuất (nguồn cung) và tiêu thụ (nhu cầu), nên các chức danh này có trách nhiệm đảm bảo vận hành hệ thống điện từng giây, từng phút suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Thị trường điện cũng thực hiện khớp lệnh 30 phút/chu kỳ trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ (chu kỳ này có thể xuống còn 15 phút hoặc 5 phút như các nước có thị trường điện phát triển khi cơ sở hạ tầng đáp ứng).
Đây là lực lượng nhân viên kỹ thuật tối quan trọng đối với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần phải duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế do phải mất thời gian xấp xỉ 2 năm (kể cả thời gian tuyển dụng, đào tạo và tập sự chức danh) mới có thể có nhân sự mới. Do đó, các nhân sự đáp ứng yêu cầu được bố trí công việc với lương theo chức danh ở mức cao, có tính cạnh tranh (theo báo cáo bình quân lương bộ phận trực tiếp sản xuất là khoảng 40 triệu/người/tháng).
Vì vậy, trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân lực của A0 dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Hiện nay, về các điều kiện pháp lý và cơ sở hạ tầng Qua rà soát các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không có chức năng thực hiện việc quản lý, điều hành trực tiếp A0. Do đó để điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo A0 về Bộ Công Thương theo quy định của Đảng và Nhà nước, cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, với các Nghị định của Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bỏ nội dung “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bố điện năng trong hệ thống điện quốc gia;” khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bỏ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia khỏi danh sách các đơn vị trực thuộc EVN. Cùng đó rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương để bổ sung, làm rõ thêm chức năng “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và pháp bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia” trong nhiệm vụ của Bộ Công Thường.
Để đảm bảo AO tiếp tục hoạt động ổn định, tránh xáo trộn có thể ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, cần có lộ trình phù hợp để chuyển nguyên trạng các tài sản, nhân sự hiện nay sang Bộ Công Thương theo các quy định của pháp luật về quản lý tài sản cộng, đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển nguyên trạng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương; giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Giao Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia sang trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở chuyển nguyên trạng bộ máy nhân sự, tài sản, vốn từ EVN sang cho đơn vị mới thành lập. Đơn vị mới thành lập sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện với EVN hoặc các thành viên thị trường theo phương án được phê duyệt tại Đề án chuyển đổi mô hình A0.
Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ Công Thương, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định hiện hành của pháp luật; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, các cơ chế đặc thù về chi phí duy trì hoạt động của đơn vị, chế độ tiền lương, phụ cấp cho các nhân sự trực tiếp sản xuất của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương; chỉ đạo Bộ Tài chính cấp bổ sung nguồn kinh phí cho Bộ Công Thương để duy trì hoạt động của đơn vị và trả lương cho các nhân sự trực tiếp sản xuất tại đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương theo hướng đảm bảo các chế độ tài chính và mức lương như hiện tại.
A0 là đơn vị đảm nhận hai chức năng được quy định trong Luật Điện lực: Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực. Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong điều hành thị trường điện, Quyết định số 168/QĐ-Tg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã quy định: A0 sẽ chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện hạch toán độc lập trong EVN trong giai đoạn 2019-2020, và sau đó chuyển thành đơn vị độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2025.
Từ khi Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập vào tháng 9 năm 2018, nhiệm vụ tái cơ cấu A0 được giao cho đơn vị này. Tuy nhiên cho đến nay, việc tái cơ cấu AO vẫn chưa được phê duyệt và triển khai thực hiện.
Hiện trạng A0 gồm cơ quan Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có trụ sở ở Hà Nội và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền (A1 ở miền Bắc, A2 ở miền Nam, A3 ở miền Trung). Tổng cộng nhân sự của A0 có 454 người. Phần lớn nhân sự của A0 là lao động có trình độ cao (91% có trình độ đại học trở lên) và là lực lượng trực tiếp sản xuất (62% tổng số lao động).