Tin tức

Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu

(VOVTV) - Trong bối cảnh biến động giá xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Tác giả Nguyên Long / VOV1
01/02/2023 14:56

Về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, đáng lưu ý, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể là thứ 5 hàng tuần. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.

19- 1  ANH GIAM SAT XANG DAU.jpg

Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày. Ảnh minh họa

Thông tin chi tiết:

Theo Tờ trình, hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước (nhà nước công bố mức giá điều hành như mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp không cao hơn mức giá bán lẻ nhà nước công bố).

Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không bao giờ phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các chi phí này biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước theo định kỳ nên thường sẽ không phản ánh được thực tế chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra (trong giai đoạn chi phí tăng cao liên tục, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ).

Trong trường hợp các chi phí được cập nhật theo biến động của thị trường, khi chi phí được xác định theo mức bình quân sẽ luôn có một số doanh nghiệp có mức chi phí cao hơn mức chi phí bình quân và do đó sẽ bị lỗ so với mức chi phí được tính trong giá cơ sở (là giá trần được bán ra của doanh nghiệp) nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động kinh doanh và bảo đảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.

Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, Thường trực Tổ biên tập đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:

Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...), đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí… để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

- Ưu điểm: Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường, giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn.

- Nhược điểm: Khi các yếu tố cấu thành giá xăng dầu như chi phí kinh doanh có biến động bất thường, mặc dù việc rà soát, tính toán đã được quy định theo hướng kịp thời hơn nhưng mức chi phí cuối cùng trong công thức giá cơ sở vẫn là mức bình quân nên sẽ không phản ánh đúng chi phí thực tế doanh nghiệp phải chi ra, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại, không bảo đảm duy trì được hoạt động kinh doanh, gây bất ổn nguồn cung cục bộ.

Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

- Ưu điểm: Bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Khi các doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu xăng dầu trên thị trường từng giai đoạn và giúp thúc đẩy tính cạnh tranh.

- Nhược điểm: Có nhiều mức giá xăng dầu trên thị trường, khi người dân chưa quen với việc này sẽ có phản ứng đối với giá xăng dầu của các doanh nghiệp có chi phí cao; đối với những địa bàn không có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu cho thị trường (mức độ cạnh tranh kém), quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán, giá xăng dầu. Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, do phát sinh chi phí cao, mức độ cạnh tranh thấp nên người dân tại các địa bàn này có thể phải mua xăng dầu với giá cao hơn các địa bàn khác.

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1, theo đó Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...), đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí. (Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất phương án và viết nội dung sửa đổi Nghị định để gửi Bộ Công Thương tổng hợp như đã phân công trong Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập).

Lý do lựa chọn: tiếp tục có sự quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường nhưng có sự điều chỉnh chi phí linh hoạt hơn, rà soát tính đủ các chi phí phát sinh của doanh nghiệp; giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn.

Cac cua hang xang dau thuoc Petrolimex dam bao nguon cung.jpg

Hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Ảnh minh họa

Về thời gian điều hành/công bố giá

Trước đây, theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành là 15 ngày (trước đó theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thời gian giữa 02 kỳ điều hành là 10 ngày). Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành đã được sửa đổi giảm từ 15 ngày (theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) xuống 10 ngày (cụ thể điều hành vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Việc rút ngắn thời gian điều hành nêu trên đã được điều chỉnh trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (những đơn vị trực tiếp liên quan và có kinh nghiệm nhiều trong việc mua bán xăng dầu trên thị trường).

Khoảng thời gian 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê…, giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường.

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng tức là 10 ngày điều hành/lần, trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp. Như vậy, quy định hiện hành đã cho phép linh hoạt về kỳ điều hành giá xăng dầu. Thời gian vừa qua, trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới tại một số thời điểm, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành sớm giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của một số Bộ, ngành, và đánh giá việc điều hành sớm trong một số giai đoạn (trước và sau Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 2/9…) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước… nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, qua đánh giá các đề xuất của doanh nghiệp về việc điều chỉnh thời gian của chu kỳ điều hành giá cho thấy, chỉ khi giá tăng, các doanh nghiệp mới nêu mạnh vấn đề rút ngắn thời gian điều hành giá nhưng khi giá giảm, các doanh nghiệp lại có xu hướng đề xuất kéo dài thời gian điều hành giá (có một số ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị thời gian điều hành giá nên quay lại quy định như trước đây là 15 ngày).

Quan điểm của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, chu kỳ điều hành giá 10 ngày hiện vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của một số đơn vị và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Tổ biên tập đề xuất 03 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu (thời gian điều hành là vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng), đồng thời khi cần thiết trong những giai đoạn thị trường có biến động lớn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Liên Bộ Công Thương – Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn (nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành).

- Ưu điểm: Không làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp và phù hợp với những nội dung đã phân tích ở trên về cơ sở của việc sửa đổi và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; có sự ổn định tương đối của giá xăng dầu để không ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (do xăng dầu thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên rất cần có sự ổn định).

- Nhược điểm: Chưa phù hợp với đề xuất của một số đơn vị có ý kiến rút ngắn thời gian điều hành giá nên khi giá xăng dầu thế giới vào giai đoạn tăng, các đơn vị này lại tiếp tục có kiến nghị (đề xuất này không phải là ý kiến của đa số các doanh nghiệp); mặc dù đây không phải là nguyên nhân của việc thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ thời gian qua nhưng trong trường hợp các nguyên nhân trực tiếp của những khó khăn về nguồn cung xăng dầu (việc tính đủ chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính…) chưa được giải quyết dứt điểm, các đơn vị liên quan lại tiếp tục nêu vấn đề sửa đổi việc điều hành giá.

Phương án 2: Sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể là Thứ Năm hàng tuần. Trong giai đoạn giữa 02 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.

- Ưu điểm: Giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.

- Nhược điểm: Do thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xẩy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc).

Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó thời gian giữa 02 kỳ điều hành/công bố giá được giảm từ 10 ngày xuống 07 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần. Trong giai đoạn giữa 02 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.

Lý do chọn: nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Ý kiến của bạn