Bình Dương: Tạm dừng hoạt động 2 phòng khám liên quan bệnh nhân tử vong khị bị từ chối cấp cứu
(VOVTV) - Ngày 20/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đã đề nghị 2 cơ sở y tế tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh để phục vụ công tác xác minh sự việc liên quan đến trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi không được tiếp nhận cấp cứu.
Hai cơ sở y tế đó là Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng (thành phố Dĩ An) và Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang (thành phố Thuận An). Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, thời gian qua, 2 phòng khám này đã để xảy ra tình trạng bệnh nhân không tiếp cận được cơ sở y tế để cấp cứu, thực hiện chuyển viện không an toàn dẫn đến người bệnh tử vong trên đường chuyển viện.
Hai 2 cơ sở y tế này phải tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh để phục vụ cơ quan pháp luật, Thanh tra Sở Y tế xác minh làm rõ sự việc.
Khi có kết luận của cơ quan pháp luật, Sở Y tế sẽ tiến hành hậu kiểm các điều kiện khám, chữa bệnh theo quy định đối với 2 cơ sở y tế này.
Như Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đưa tin trước đó, ông Ngô Dương (57 tuổi, ngụ phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị nôn ói, ngất xỉu nên được người nhà đưa đi cấp cứu bằng xe tải.
Ông Dương được đưa đến một số cơ sở y tế nhưng do đang điều trị COVID-19 nên không nhận bệnh, và gia đình đưa ông đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng. Phòng khám tiến hành test nhanh COVID-19 với số tiền 700.000 đồng cho bệnh nhân và người đi cùng.
Sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, phòng khám cấp cứu cho người bệnh. Do tình trạng bệnh nhân quá nặng vượt khả năng nên yêu cầu người nhà chuyển đến bệnh viện khác. Sau khi đi hỏi thăm một số cơ sở y tế khác không nhận bệnh do mới cấp cứu một bệnh nhân COVID-19 trở nặng, người nhà đưa ông Ngô Dương về nhà trọ, vài giờ sau thì tử vong.
Còn Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang thì có liên quan đến cái chết của bà Nguyễn Thị Kiều (50 tuổi), tạm trú ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An.
Bà Kiều khó thở và được em trai lấy xe máy chở đến Phòng khám Đa khoa Phúc An Khang. Tại đây, em trai hỏi thăm để đưa chị vào khám nhưng bảo vệ hướng dẫn qua bệnh viện lớn hơn.
Vừa rời phòng khám được 700m thì bà bị Kiều mệt nên em trai tấp vào lề đường và đã tử vong ngay sau đó.
Làm việc với công an, bảo vệ phòng khám cho biết chỉ nghe hỏi “Ở đây có khám bệnh hay không?” chứ không nghe nói người thân đang trong tình trạng nguy kịch. Đại diện phòng khám cho biết, bảo vệ được phân công hỗ trợ hỏi thông tin bệnh nhân sau đó thông báo cho bộ phận cấp cứu điều phối bác sĩ, điều dưỡng ra tiếp nhận bệnh. Thời điểm xảy ra sự việc, phòng khám không được bảo vệ thông báo có người đến khám, cấp cứu.
Sau 2 vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Công an, Sở y tế vào cuộc điều tra, xác minh và yêu cầu xử lí nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm.
Sở Y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh phải tiếp nhận khám chữa bệnh, không được từ chối bất kỳ ai. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng người bệnh không được tiếp nhận khám, cấp cứu và điều trị khi ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Tin nổi bật
Tin Video